Thời gian qua, thị trường Việt đang chứng kiến sự bùng nổ của các nền tảng TMĐT, với sự tăng trưởng của các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein… ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam.
Đến đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận 78,44 triệu người sử dụng internet, với tỷ lệ tiếp cận đạt 79,1%. Theo báo cáo “Thị trường TMĐT – Thời của mua sắm và giải trí” do Kirin Capital phát hành vào đầu tháng 4/2024, 50% khách hàng Việt Nam đã lựa chọn mua sắm trực tuyến, trong khi chỉ 30% vẫn ưa chuộng kênh mua sắm truyền thống.
Thống kê cho thấy khoảng 61% người tiêu dùng trực tuyến mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, 55% thông qua mạng xã hội như Facebook và Instagram, và khoảng 34% qua các website bán hàng trực tuyến.
Đặc biệt, theo Momentum Works, Việt Nam đã trở thành thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, với tổng doanh số giao dịch (GMV) tăng gần 53% so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trưởng này dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024, biến Việt Nam thành một thị trường tiềm năng thu hút các nền tảng thương mại điện tử.
Hàng giá rẻ Trung Quốc thần tốc tiến vào Việt Nam
Dù mới vào Việt Nam từ đầu tháng 10 năm nay, nhưng ứng dụng thương mại điện tử Temu đã gây cơn sốt lớn, đầu tiên là hàng loạt các quảng cáo trên mạng xã hội với chất giọng AI phiên dịch vụng về, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng giá rẻ, ưu đãi lớn đến 90%…
Tính đến ngày 24/10, Temu đã hoàn thiện giao diện tiếng Việt, mang đến trải nghiệm thân thiện và dễ sử dụng. Nền tảng này cung cấp đa dạng sản phẩm từ thời trang, đồ điện tử, gia dụng, trẻ em đến văn phòng phẩm. Đặc biệt, Temu đang gây ấn tượng mạnh trên thị trường thương mại điện tử với mức giá sản phẩm rất cạnh tranh, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng. Điều này giúp loại bỏ các chi phí trung gian, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Hầu hết các sản phẩm trên Temu đều được cung cấp bởi các nhà sản xuất Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp và quy mô sản xuất lớn. Công ty mẹ của Temu, PDD Holdings, áp dụng chiến lược trợ giá và chấp nhận lợi nhuận thấp cho mỗi sản phẩm bán ra, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm một cách đáng kể.
Anh Trường Giang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, anh biết đến Temu thông qua quảng cáo trên mạng xã hội. Anh đã mua một chiếc kính mắt thời trang hiệu Cyberpunk với giá 445.000 đồng, giảm 75% so với giá gốc 1,7 triệu đồng, và nhận hàng chỉ sau 3 ngày.
“Ngoài chiếc kính, tôi cũng thử mua thêm vài vật dụng khác với tổng thanh toán tối thiểu 120.000 đồng, tuy nhiên, cần thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay”, anh Giang nói.
Kể từ khi ra mắt, lượt tải xuống ứng dụng Temu đã tăng trưởng mạnh mẽ, với 440.000 lượt trong tháng đầu ra mắt vào năm 2022, và con số này đã vượt mốc 54 triệu vào tháng 8/2024. Theo báo cáo của ECDB, tổng doanh số giao dịch (GMV) của nền tảng này đã tăng theo cấp số nhân, từ 290 triệu USD vào năm 2022 lên tới 14 tỷ USD vào năm 2023.
Dự báo GMV của Temu sẽ đạt 29,5 tỷ USD vào năm 2024 và 41 tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh, GMV của Amazon được dự kiến đạt 756,9 tỷ USD trong năm nay.
Mức giá ưu đãi và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn của Temu đã thu hút không chỉ khách hàng thương mại điện tử mà còn cả những người làm nội dung tiếp thị liên kết. Việc tìm kiếm từ khóa “affiliate trên Temu” trên YouTube sẽ dẫn đến hàng chục video hướng dẫn kiếm hoa hồng từ nền tảng này.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần lưu ý một số điểm quan trọng. Mức giá “rẻ sập sàn” thường áp dụng cho các mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc nhãn hiệu, có thiết kế tương tự với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, ứng dụng yêu cầu người dùng thanh toán ngay khi đặt hàng, mà không cho phép tùy chọn thanh toán khi nhận hàng.
Trước sự xuất hiện của Temu, sàn thương mại điện tử 1688 thuộc tập đoàn Alibaba đã bất ngờ hỗ trợ tiếng Việt. Đây là một bước đi đáng chú ý, khi trong suốt hàng chục năm qua, nền tảng này chỉ sử dụng duy nhất tiếng Trung và chưa từng tích hợp ngôn ngữ Anh.
1688 vốn là nền tảng bán buôn chủ yếu phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc, tập trung vào đối tượng người mua số lượng lớn và chủ yếu là giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Giờ đây, 1688 đã chuyển sang mô hình hỗ trợ trực tiếp cho người dùng Việt Nam, giúp họ mua sắm và vận chuyển hàng hóa mà không cần thông qua các đầu mối mua hộ hay trung gian vận chuyển Việt – Trung.
Ngoài ra, Taobao, một nền tảng thương mại điện tử khác của Alibaba, cũng đã mở dịch vụ giao hàng tận tay đến người tiêu dùng tại Việt Nam.
Không chỉ những “tay chơi” mới xuất hiện mà trước đó, các sàn TMĐT lớn trong nước như: Shopee, Lazada và TikTok Shop đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt Nam mua sắm hàng hóa Trung Quốc thông qua tính năng gian hàng quốc tế.
Với hàng loạt chính sách trợ giá, hỗ trợ thanh toán và cung cấp nền tảng giao dịch cho nhà bán lẻ quốc tế, các sàn TMĐT này đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa hàng hóa Trung Quốc và người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, giá trị hàng nhập khẩu qua kênh TMĐT từ 4 sàn lớn mà người bán nước ngoài đang khai thác ước tính đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng, tính đến đầu tháng 6 vừa qua.
Bên cạnh đó, các công ty logistics lớn của Trung Quốc như Best Express và J&T Express cũng đóng vai trò quan trọng trong quy trình giao hàng chặng cuối về Việt Nam, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả.
Nguy cơ hàng Việt thua trên sân nhà
Theo công ty phân tích dữ liệu TMĐT Metric, sự gia nhập của Temu và các sàn TMĐT giá rẻ khác vào Việt Nam đang tạo ra nhiều áp lực cho các nhà bán lẻ trong nước.
Ngoài việc cạnh tranh về giá cả, tốc độ giao hàng xuyên quốc gia được rút ngắn, tương đương với vận chuyển nội địa, cũng khiến các nhà bán lẻ Việt Nam gặp khó khăn. Hiện tại, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu đến Việt Nam chỉ mất từ 4 – 7 ngày, nhờ lợi thế về khoảng cách địa lý và hạ tầng kết nối tốt. Trong khi đó, thời gian vận chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội cũng kéo dài từ 4 – 6 ngày.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang hỗ trợ nhiều địa phương và doanh nghiệp xây dựng tổng kho gần biên giới Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Một ví dụ điển hình là Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc – ASEAN tại huyện Hà Khẩu, Vân Nam, với diện tích lên tới 660.000m2, đang triển khai giai đoạn 2 gần tỉnh Lào Cai. Quảng Tây cũng đã thành lập 20 kho thương mại điện tử tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Thái Lan và Việt Nam.
Trong 5 năm qua, thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 10 lần, trở thành động lực thúc đẩy thương mại đối ngoại.
Chỉ riêng trong quý I/2024, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 577,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 80 tỷ USD), tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu ghi nhận mức tăng 14%, đạt 448 tỷ nhân dân tệ (khoảng 63 tỷ USD).
Hiện Trung Quốc có hơn 120.000 đơn vị thương mại điện tử xuyên biên giới và sở hữu hơn 1.000 khu công nghiệp chuyên biệt cho lĩnh vực này.
Ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) nhấn mạnh rằng, TMĐT là xu thế tất yếu, nhưng nếu không có quy định và kiểm tra chặt chẽ, điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế và xã hội. Ông Ngân chỉ ra rằng một số sàn TMĐT chưa đăng ký hoặc không đóng thuế, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Ông Ngân cũng cảnh báo rằng sự thiếu công bằng này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa hoặc ngừng hoạt động.
“Chúng ta phải hành động ngay để tránh những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nước,” ông Ngân nhấn mạnh.
Mới đây, Sở Công Thương TP. HCM đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm có giải pháp quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Sở Công Thương, bên cạnh những lợi ích cho người tiêu dùng, việc quản lý chất lượng, ngăn chặn hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, đặc biệt là từ nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng bày tỏ lo ngại khi giá sản phẩm sau khi giảm giá chỉ còn vài chục nghìn đồng, thậm chí 0 đồng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.