Công ty sản xuất rượu bia Carlsberg của Đan Mạch muốn mua lượng lớn cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Tuy nhiên, để có thể thâu tóm Habeco, hãng sản xuất bia lớn thứ hai của Việt Nam, Carlberg có thể sẽ phải mua theo giá thị trường.
Vào cuối năm 2016, ông Tayfun Uner, cựu Giám đốc điều hành Carlsberg Việt Nam, cho biết Carlsberg muốn tăng cổ phần tại Habeco từ mức 17,51% lên mức 61,79%.
Song song với nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Thương vụ bán cổ phần của Habeco diễn ra sau khi Thaibev mua lượng lớn cổ phần (trị giá 4,8 tỷ USD) của Sabeco hồi tháng 12/2017.
Trả lời Bloomberg, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Để xác định mức giá khởi điểm cho những thương vụ bán vốn Nhà nước, Chính phủ xây dựng mức giá khởi điểm dựa trên 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu đó”. Phó Thủ tướng nói thêm: “Các doanh nghiệp Nhà nước không được phép bán dưới mức giá sàn mà Chính phủ đã đặt ra”.
Carlsberg thiết tha muốn mua cổ phiếu Habeco
Carlsberg Việt Nam cho biết đàm phán giữa Carlsberg, Chính phủ Việt Nam và Habeco có được sự tin tưởng cao từ tất cả các bên.
“Carlsberg đang hỗ trợ tiến trình tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ và nỗ lực phục vụ với vai trò là một đối tác của Chính phủ thông quá quá trình thoái vốn ở Habeco, đây là một thương vụ lớn và phức tạp về mặt pháp lý”, theo Carlsberg Việt Nam. Công ty này nói thêm: “Theo đó, Carlsberg nỗ lực hỗ trợ cho mục tiêu thoái vốn của Chính phủ và các nguyên tắc mà Chính phủ đặt ra, bao gồm việc thoái vốn ở một mức giá hợp lý”.
Vào năm 2016, ông Uner với cương vị Giám đốc điều hành Carlsberg Việt Nam, cho rằng giá cổ phiếu của Habeco trên thị trường OTC không phản ánh chính xác giá trị thực của công ty do hoạt động đầu cơ.
Ông Uner đưa ra thông tin Carlsberg đang tìm cách mua hơn 20% cổ phần được chào bán. Tuy nhiên, Carlsberg cho rằng bình luận của ông Uner không có tính cập nhật và từ chối tiết lộ thêm chi tiết về các đàm phán gần đây. Habeco cũng chưa bình luận về thương vụ này.
Theo quy định, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu không quá 40% cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước trong một số lĩnh vực bao gồm ngành bia rượu, trừ khi Chính phủ cho phép trường hợp ngoại lệ.
Cổ phiếu Habeco hiện đang giao dịch trên sàn HoSE. Cổ phiếu của hãng đã tăng 57% trong 6 tháng vừa qua, vượt cả mức tăng 38% của chỉ số VN Index. Chỉ số P/E của Habeco sẽ duy trì ở mức 41 trong vòng 12 tháng tới, trong khi đó P/E của Sabeco là 33. Định giá của Habeco cao gấp gần 2 lần so với Carlsberg và một số thương hiệu khác như Kirin hay Heineken.
Khó mua ở mức giá thấp
Theo ông Marc Djandji, Giám đốc Môi giới Khách hàng tổ chức của công ty chứng khoán Rồng Việt, Chính phủ Việt Nam gửi thông điệp đến các nhà đầu tư chiến lược rằng Chính phủ sẽ đưa ra mức giá cao nhất có thể đối với các tài sản Nhà nước, đặt biệt với những “món châu báu quý” như Sabeco hay Habeco.
“Đây là những ‘châu báu quý’ và họ sẽ không giảm giá, điều này là dễ hiểu”, ông Marc Djandji cho biết. “Chúng ta có thể dự đoán điều tương tự đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác của Nhà nước”, ông nói thêm.
Cổ phiếu của Habeco giảm 1,4% trong phiên giao dịch sáng nay tại TP. HCM trong khi chỉ số VN Index tăng 1,6%.
Hãng bia Đan Mạch hướng tới tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Theo Euromonitor International, tầng lớp trung lưu và giới trẻ tăng lên khiến nhu cầu bia của Việt Nam tăng 300% kể từ năm 2002.
Bộ Công thương dự kiến sẽ trình Chính phủ để quyết định về tỉ lệ cổ phần Habeco sẽ bán ra, mức giá bán và thời điểm bán cụ thể sau khi kết thúc đàm phán với Carlsberg, Phó thủ tướng cho biết. Bộ Công thương năm ngoái cho biết Chính phủ sẽ bán cổ phần của Habeco trong quý I năm 2018.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đã có kế hoạch bán Habeco từ năm ngoái nhưng vẫn còn một số vấn đề giữa Habeco và các nhà đầu tư chiến lược cần phải được giải quyết.