Trong buổi họp báo cùng các DN gỗ chiều 24/8, Phó chủ tịch HAWA cho biết, ông Otto đã đến gặp lãnh đạo HAWA, đưa ra một số tư liệu, chứng từ liên quan đến việc bị tố cáo quỵt nợ.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, người đại diện pháp lý cho Công ty Gia Hân cho biết, ông Otto, người trực tiếp ký hợp đồng làm ăn với Gia Hân và nhiều công ty gỗ Việt khác, chỉ còn 1% cổ phần ở Global Home, sau khi chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
Chồng Thu Minh gặp HAWA 1 giờ trước khi họp báo
Ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết, trước đó, ông Otto de Jager (chồng Thu Minh), đại diện Global Home đã gửi thư xin gặp lãnh đạo HAWA. Cuộc gặp đã diễn ra vào 13h chiều nay (24/8), trước khi bắt đầu cuộc họp báo của HAWA cùng các doanh nghiệp (DN) thành viên liên quan đến tranh chấp với Global Home, cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài.
Theo đó, ông Otto đã đưa ra những tài liệu, chứng từ để giải thích về các tranh chấp với phía Công ty Gia Hân cũng như một số đối tác khác. “Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng Hội không phải là cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi chưa thể nhân danh HAWA để xác nhận điều gì mà chỉ mong các bên có thể thông cảm, đi đến những kết quả tốt đẹp nhất”, ông Hạnh cho biết.
Người đại diện HAWA cũng nói đã tiếp nhận đơn thư của các DN và có trao đổi với ông Otto về những đơn thư này. Ông Otto cho rằng, đã có giải quyết một số vấn đề trong những khúc mắc với những hội viên của HAWA. Và sau khi trao đổi về những đơn thư của các hội viên, ông Otto hẹn 2 tuần sau sẽ gặp để tiếp tục giải quyết sự việc trên.
Gia Hân quyết kiện Global Home dù có mất hết tiền
Tại cuộc họp báo, đại diện Công ty Gia Hân cho rằng, có thể cơ sở pháp lý của mình đang rất yếu, nhưng vẫn phải làm tới cùng để các DN khác trong ngành nhìn nhận rõ về Global Home để rút ra bài học.
“Việc đấu tranh về pháp lý có nhiều điểm bất lợi cho Gia Hân, nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Trong vụ việc này chúng tôi chấp nhận mất tiền để cảnh báo đến nhiều DN khác nhìn nhận thực tế về Global Home và rút ra những kinh nghiệm cho mình”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Gia Hân khẳng định
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, người hỗ trợ pháp lý cho Công ty Gia Hân, cho rằng rủi ro các DN Việt thường mắc phải trong làm ăn là vấn đề niềm tin.
“Nói niềm tin trong pháp lý thì có thể hơi nực cười, nhưng đây đã là thói quen cố hữu khi kinh doanh ở Việt Nam. Đặc biệt khi đối chiếu với hợp đồng khung đã ký, thì có rất nhiều điều khoản bất lợi cho DN trong nước về kiểm soát chất lượng, thời hạn thanh toán…”, ông Truyền cho biết.
Cụ thể, với hợp đồng khung thì điều khoản giữa Gia Hân và Global là bất lợi cho DN Việt. Tất cả các ràng buộc pháp lý, chất lượng đều phải theo các quy định của nước ngoài và của phía Global Home. Ngay từ khi ký hợp đồng đã có đơn hàng ngay và giao dịch bằng email, nhưng 23-27 ngày sau mới thanh toán.
Từ những đơn hàng đầu tiên thì một số DN Việt đã bị Global Home nợ.
Thậm chí, các điều khoản về thời hạn phản hồi thông tin cũng không được xác lập, nên xảy ra nhiều tình trạng dở khóc dở cười. Có thể kể đến rắc rối của Gia Hân là việc 5h sáng Global Home gửi email yêu cầu xác nhận buổi làm việc, để trao đổi hợp đồng. Tuy nhiên 3 tiếng đồng hồ sau, tức 8h sáng, bắt đầu giờ làm việc tại Việt Nam, Global Home đã cho rằng phía Gia Hân không phản hồi thông tin và vi phạm hợp đồng.
Ông Otto chỉ còn 1% cổ phần ở Global Home
Theo ông Truyền, DN Việt Nam có hợp đồng là quên hết tất cả, không quan tâm đến vấn đề gì khác, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây mất lòng tin với các đối tác nước ngoài.
Đến bây giờ mới tìm hiểu được tình trạng pháp lý của đối tác là quá muộn. Thậm chí đến gần đây, DN Việt mới biết được ông Otto, người trực tiếp ký hợp đồng làm ăn, chỉ còn 1% cổ phần ở Global Home, sau khi chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
Một chuyên gia về pháp lý khác chia sẻ, DN Việt Nam đã không quan tâm và lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong những hợp đồng mua bán quốc tế. Đối tác nước ngoài có thể giấu vài chi tiết trong đó, kể cả trong định nghĩa họ cũng cài cắm những điều có lợi cho họ.
Liên quan đến vấn đề giữa Global và các gỗ Việt Nam thường giao dịch mua bán thông qua email, không có chứng từ, con dấu, vị chuyên gia này chia sẻ: “Với Việt Nam, phải có con dấu thì mới chắc ăn nhưng trong thương mại thì một số nước không dùng con dấu. Song nước nào không dùng con dấu trong các hoạt động thương mại thì chúng ta không biết. Rõ ràng chúng ta đang rất cần những tư vấn để hạn chế tối đa rủi ro”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại sao Gia Hân không chấm dứt hợp đồng khi tình trạng thanh toán của Global Home có vấn đề. Tuy nhiên, ông này cho rằng để hủy được hợp đồng không phải là điều đơn giản. Hấu hết các DN Việt có quy mô nhỏ thường “chơi tất tay” với các hợp đồng lớn, tiền nợ nhiều trong khi vốn liếng bỏ ra gần hết. Chấm dứt hợp đòng là một hệ lụy lớn ảnh hưởng cả một dây chuyền.
Đại diện HAWA cũng chia sẻ, hầu như DN Việt khi nhận được đơn hàng là quên hết mọi chuyện về thủ tục, chỉ lo lao vào sản xuất. Đồng thời, DN chỉ quan tâm đến giá, không quan tâm đến việc tranh chấp và những vấn đề phải làm khi tranh chấp xảy ra.
“Ít DN biết được rằng, tiền thuê luật sư tại Hong Kong là 2.000-2.500 USD/giờ, thời gian chuẩn bị hồ sơ là 30 tiếng. Khi nhận được phán quyết của trọng tài thì lại đối mặt với việc thực thi đó như thế nào? Việc công nhận các phán quyết của toà nước ngoai tại Việt nam còn nhiều bất cập. Do vậy, các DN khi muốn phát triển ra thị trường nước ngoài cần xem Gia Hân là bài học”, ông Trần Việt Tiến, Ủy viên Ban chấp hành HAWA chia sẻ.
Bình Nguyên – Trương Khởi
Theo Zing