Tuần qua, nhiều doanh nghiệp FDI rót hàng tỷ USD vào Việt Nam, đây là khách hàng lớn khiến bất động sản công nghiệp trở nên đắt khách. Trong đó có LG Innotek rót thêm 1 tỷ USD vào Hải Phòng; Foxconn bỏ thêm 250 triệu USD xây 2 nhà máy ở KCN Sông Khoai – Quảng Ninh; Tập đoàn Sunrise Material đầu tư xây dựng nhà máy 100 triệu USD tại Nam Định.
LG Innotek rót thêm 1 tỷ USD vào dự án tại Hải Phòng
Ngày 26/6, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng.
Theo đó, dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng tại khu công nghiệp Tràng Duệ do Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng làm chủ đầu tư sẽ điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2023 – 2025, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2,051 tỷ USD.
Được biết, dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2016 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 2020. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại…
Việc LG Innotek tăng vốn đã nâng tổng vốn FDI của TP. Hải Phòng 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD, chiếm 95% kế hoạch năm.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, hiện Tập đoàn LG có 7 dự án đang đầu tư tại Thành phố với tổng nguồn vốn hơn 7 tỷ USD, trong đó lớn nhất là LG Electronics, LG Display, LG Innotek. Bên cạnh đó, có hơn 50 doanh nghiệp Hàn Quốc là vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Foxconn bỏ thêm 250 triệu USD xây 2 nhà máy ở Quảng Ninh
Hai dự án mới của Foxconn gồm Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd (Foxconn).
Hai dự án trên của Foxconn có tổng mức đầu tư hơn 246 triệu USD vào KCN Sông Khoai (KKT ven biển Quảng Yên) vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư.
Trong đó, dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.750 tỷ đồng (hơn 200 triệu USD) để sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện.
Nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án trong 18 tháng, hoàn thành và đi vào sản xuất chính thức tháng 1/2025, mang lại việc làm thường xuyên cho khoảng 1.143 lao động, mức lương khoảng 13 triệu đồng/tháng đối với công nhân sản xuất.
Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1 ha, tổng vốn đầu tư vào khoản 1.200 tỷ đồng (46 triệu USD), sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông.
Dự án thực hiện trong 16 tháng, hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 10/2024, tạo việc làm cho hơn 700 lao động với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Tập đoàn Sunrise Material đầu tư 100 triệu USD tại Nam Định
Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định vào ngày 23/6, Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc công nghệ cao với giá trị 100 triệu USD tại khu công nghiệp Mỹ Thuận, Nam Định. Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định sau khi dự án hoàn thành mỗi năm sẽ nhập khẩu 200 triệu USD và xuất khẩu 500 triệu USD và dự án sẽ có sản phẩm sau 15 tháng thi công.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) và các doanh nghiệp phụ trợ của tập đoàn này cũng đã quyết định đầu tư 3 dự án tại khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15ha.
Cụ thể, Tập đoàn JiaWei đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao quy mô 8,5ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD; Công ty Thiên Hà đầu tư nhà máy in phụ trợ quy mô 2,5ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Công ty Tân Việt Hưng đầu tư nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ quy mô 3,3ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Sumitomo Corporation muốn rót hơn 400 triệu USD làm KCN ở Thanh Hóa
Ngày 28/6, Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa, trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp phía tây TP. Thanh Hoá.
Theo đó, dự án khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa có diện tích phát triển dự kiến là 650ha, trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp có diện tích phát triển dự kiến khoảng 168,5 ha. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025; tổng số vốn đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng (hơn 400 triệu USD).
Lệ Chi / Vietnamfinance