Theo Bloomberg, Việt Nam đã đình chỉ hơn 1.200 dự án bất động sản với tổng trị giá lên tới 800.000 tỷ đồng (khoảng 34 tỷ USD) khi những khó khăn về vốn tiếp tục bủa vây ngành.
“Một nguồn tài nguyên khổng lồ đã bị đóng băng và chúng tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Những dự án bị dừng này không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội mà kéo theo nhiều hệ lụy”, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) chia sẻ với Bloomberg.
VnREA cho biết thêm, trung bình mỗi tỉnh trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam đã đình chỉ 20 dự án. Báo Thanh Niên mới đây cũng đưa tin rằng khoảng 400 dự án ở Hà Nội đang bị đình trệ trong khi con số dự án bị đình chỉ của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 300, nhưng không cung cấp số lượng dự án bị đình trệ ở các thành phố trọng điểm.
Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, cuộc “khủng hoảng” bất động sản, do các công ty xây dựng vay nợ quá nhiều, đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu và chính phủ siết chặt các quy định, đã ảnh hưởng đến hơn 1.800 công ty xây dựng và buộc 340 công ty khác rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong quý I/2023.
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong nước, vừa kết thúc quý I với kết quả “kém vui” khi lỗ sau thuế 410 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Novaland thua lỗ kể từ khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2016.
Năm nay, HĐQT Novaland dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 9.531 tỷ đồng, giảm 14,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 214 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với thực hiện năm trước.
Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo rất quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 “về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững”, được xem như là một trong những giải pháp “phá băng” cho thị trường. Tuy nhiên, hiện các tổ chức tín dụng khá nặng gánh với vấn đề tín dụng, thị trường vốn (thị trường trái phiếu) chưa phục hồi, còn dòng tiền thu từ khách hàng trên thị trường giao dịch bất động sản khá khó khăn.
Như VietnamFinance đưa tin, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị “luật hóa” đầy đủ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó đề cập nhiều giải pháp để tiếp tục “phá băng” thị trường bất động sản.
Theo đó, HoREA đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án bất động sản theo thỏa thuận, theo cơ chế thí điểm, quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội để tháo gỡ ngay khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết,nếu được thông qua, điều này sẽ tác động tích cực ngay lập tức đến thị trường. Đồng thời, cùng với Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 quy định về “sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản sẽ tháo gỡ được.
Thuỷ Bình / Vietnamfinance
Theo Bloomberg, VNF