rong dự thảo thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân, Bộ Công thương đề xuất các bộ, ngành cùng phối hợp điều hành giá điện.
.
Trong báo cáo gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, ngoài Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất có thêm các bộ ngành liên quan phối hợp điều hành, thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.
Thêm các bộ ngành phối hợp điều hành
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng dự thảo và bổ sung, sửa đổi những vấn đề phát sinh vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến việc điều hành giá điện theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Chính phủ.
Liên quan đến lợi nhuận định mức trong giá điện, Bộ Công Thương cho biết, sẽ không thực hiện việc quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức. Cơ quan này cũng cho biết, đã rà soát các quy định và các góp ý của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính. Theo đó, liên quan đến việc chủ trì, phối hợp trong điều hành giá điện, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì kiểm tra, rà soát. Bộ Tài chính giữ trách nhiệm phối hợp ở khía cạnh là cơ quan quản lý nhà nước về giá.
Cụ thể, Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Bộ Công Thương sẽ là cơ quan hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.
Bộ Công Thương cũng đề xuất các bộ, cơ quan liên quan cùng tham gia, phối hợp với các nội dung liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
Để minh bạch hơn quá trình xem xét điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu có liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.
Mỗi năm có 4 đợt thay đổi giá và được điều chỉnh theo từng quý
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỷ giá. Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Đồng nghĩa, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
Đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng giá, giảm giá với biên độ cụ thể cũng được giữ như dự thảo trước đó. Theo đó trường hợp các thông số đầu vào các khâu như phát điện, truyền tải, phân phối… làm giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Ở chiều ngược lại, khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên”, Bộ Công Thương cho hay. Bộ này cũng đề xuất giữ nguyên cụm từ “bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ” như đã quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng để đảm bảo việc xem xét chênh lệch tỷ giá đánh giá lại trong tính toán giá bán lẻ điện.
Hồi tháng 11/2023, khi trả lời Bộ Công Thương về góp ý cho dự thảo thay thế Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về giá bán lẻ điện, Bộ Tài chính đã dẫn các quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực để khẳng định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Tức, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng khung giá, cơ chế điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng, cũng như hướng dẫn lập khung giá phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, phí điều độ…
Bộ Tài chính cũng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của họ tại Dự thảo Quyết định và bỏ nội dung “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính”. Thay vào đó, bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc tác động lớn. Nếu giá điện bán lẻ bình quân tăng 5-10%, Bộ Công Thương chủ động rà soát và có ý kiến với phương án EVN trình. Nếu giá điện tăng 10% trở lên, ảnh hưởng tới vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ là một trong số các bộ, ngành góp ý về phương án giá sau rà soát của Bộ Công Thương.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, không có trách nhiệm phải kiểm tra các báo cáo của EVN; không bắt buộc phải tham gia họp, báo cáo và ý kiến về phương án giá điện hàng năm. Bộ này chỉ có ý kiến nếu phía Công Thương đề nghị.
Kỳ Thư / Vietnamfinance