Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện và công bố các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển.
Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu; thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
Các đơn vị hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.
Các nhà trường cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao; tập trung vào các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.
Một trong những nội dung đáng lưu ý, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong Đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GD&ĐT và của cơ sở đào tạo; kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Đặc biệt, hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên chủ động làm việc với UBND các tỉnh, TP và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2024 sẽ được hoàn thành theo kế hoạch chung và những quy định hiện hành, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GD-ĐT và của cơ sở đào tạo. Đồng thời các trường cũng cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và kịp thời theo quy định.
Với tuyển sinh từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ có các giải pháp bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. Bộ sẽ hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
PGS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đề xuất Bộ GD&ĐT nên xem xét để bỏ phương thức tuyển sinh sớm. PGS Trần Thiên Phúc lý giải các phương thức tuyển sinh sớm giúp thí sinh biết mình đủ điều kiện trúng tuyển vào thời điểm các em chưa hoàn thành chương trình THPT. Mặt khác, trong quá trình tuyển sinh, một số cán bộ, giảng viên đã đề nghị thí sinh ghi nguyện vọng tuyển sinh sớm lên nguyện vọng đầu, khiến thí sinh có nguy cơ bỏ lỡ nguyện vọng thực sự phù hợp với mình, gây hệ lụy thiếu sự công bằng trong tuyển sinh.
Bình Nguyên (t/h) / Kiến Thức