Chuyện người trẻ “chảnh” hoặc quá ảo tưởng về bản thân nhận được những chia sẻ từ các nhà tuyển dụng.
Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TRAPHACO: Không vội vàng chỉ trích người trẻ
Những ứng viên tìm đến công ty chúng tôi, nếu là sinh viên họ rất muốn có việc làm. Mức lương không phải ưu tiên số 1 với đa phần người vừa ra trường. Cái họ cần là môi trường làm việc bền vững, có quản trị tốt, thương hiệu tốt, có thể phát triển cá nhân.
Bởi vậy tôi không nghĩ họ chảnh. Chỉ số ít người đi nước ngoài về có kĩ năng, đã từng công tác làm việc ở đâu đó như một công ty có tiếng và cho mình là có kinh nghiệm để đưa ra mức lương. Tất nhiên mức lương đó có thể phù hợp hoặc không phù hợp. Người có kinh nghiệm cũng chưa hẳn tốt, có thể kinh nghiệm chưa tốt thì sao.
Với nhà tuyển dụng chúng tôi không đòi hỏi nhiều, sinh viên mới ra trường chỉ là “giải quyết mù chữ” ở lĩnh vực đó mà thôi. Họ đâu có môi trường để thực hành nhiều để phát triển bản thân nên cũng không vội vàng chỉ trích họ. Thay vào đó nên tạo môi trường để họ được phát triển.
Quá trình tuyển dụng chúng tôi quan tâm hồ sơ xem thời sinh viên bạn có ham học không. Qua phỏng vấn để tìm hiểu những đức tính mà bạn có có phù hợp với công việc không. Ví dụ tuyển người làm marketing, ứng xử linh hoạt sẽ quan trọng. Nhưng với nghiên cứu, kiến thức chuyên sâu, sự nghiêm túc, tỉ mỉ, chính xác mới là tiên quyết.
Còn chuyện khát khao vươn lên hay nói thẳng ra là mức thu nhập tốt là điều ai cũng mong muốn. Có người vì tham vọng mà bất chấp mọi chiêu thức miễn sao đạt lợi nhuận, làm ăn chụp giật. Vậy thì qua giao tiếp, đặt họ vào tình huống cụ thể, nghe họ giải trình người lãnh đạo phải tỉnh táo để nhận ra điều đó. Nếu họ mơ ước và nỗ lực bằng chính sức lực cá nhân để vươn lên thì cần khuyến khích họ.
Ý kiến của một nhà tuyển dụng của tập đoàn dược phẩm: Ai cũng có quyền đòi hỏi.
Các em ảo tưởng vì chuyện học và đi làm tương đối khác nhau, đặc biệt là những người học ở các trường thiên về nghiên cứu. Các em có điểm thi vào rất cao, học hành cũng rất cực khổ. Học xã hội “văn nghệ văn gừng” được, chứ học tự nhiên, kỹ thuật ở các trường top đầu rất vất vả.
Ví dụ như học dược rất vất vả, từ năm thứ 2 đã xuống xưởng, 5 năm mới ra trường. Những em này chỉ số IQ rất cao, nhưng việc đi làm còn phụ thuộc vào chỉ số EQ.
Tôi đã từng phỏng vấn một ứng viên, nói theo kiểu bây giờ là rất chảnh. Đúng là có chuyện ảo tưởng, tự tin thái quá của những bạn mới đi phỏng vấn. Nhưng thực tế số bạn trẻ trong tay không có gì mà dám ảo tưởng, dám chảnh không hề nhiều. Kém nhưng chảnh chỉ có những bạn con nhà giàu muốn đi làm cho vui, hoặc những trường hợp được gửi gắm.
Còn đa phần, ứng viên ảo tưởng thường chỉ rơi vào sinh viên Trường ĐH Ngoại thương hay cử nhân tốt nghiệp ĐH Dược. Còn sinh viên ĐH Thương mại, hay kể cả ĐH Kinh tế quốc dân, cũng không hề chảnh.
Họ ảo tưởng vì rất giỏi, và chưa có môi trường để biết giỏi trong học tập, nghiên cứu khác với giỏi trong công việc, cuộc đời như thế nào. Đã lăn lộn rồi, họ sẽ không ảo tưởng nữa, vì họ là những người thông minh.
Tiếp xúc với các bạn trẻ bây giờ, tôi thấy các bạn có tư duy rất nhanh nhẹn, giỏi giang, có nhiều thứ rất hay mà mình không có.
Tỉ lệ ứng viên tự tin khi đến tuyển dụng không nhiều, nhưng đang tăng dần theo thời gian.
Xã hội cho con người tự tin hơn, cơ hội kiếm tiền nhiều hơn làm cho người ta có sự lựa chọn. Không đi làm, ở nhà bán hàng online cũng kiếm được tiền, nên việc gì phải run.
Người làm tuyển dụng phải hiểu, ai cũng có quyền đặt câu hỏi, thể hiện kỹ năng, tư duy của bản thân. Tuyển người ta vào làm trâu ngựa, kiếm tiền cho mình, tại sao không cho người ta hỏi?
Quan điểm của tôi là đừng bao giờ nhìn người đến dự tuyển với con mắt người đi xin việc. Đây và vấn đề doanh nghiệp cần người và người cần việc. Hai bên nếu đáp ứng được yêu cầu của nhau thì thoả thuận.
Tôi đánh giá rất cao những em có khả năng hỏi lại người tuyển dụng những thông tin về doanh nghiệp ngoài những thông tin đã công khai, chế độ đãi ngộ, môi trường, văn hoá công ty, nếu phấn đấu làm việc thì sau 5 năm nữa sẽ đạt được vị trí nào không….
Một nhân viên để đào tạo quen việc bình thường hết khoảng 6 tháng. Nhưng mình không thể đòi hỏi người ta ăn đời ở kiếp với mình, mà làm cho mình từ 3 – 5 năm đã là tốt. Bản tính của người Việt không thích sự thay đổi. Vì vậy, nếu phải thay đổi. Nếu tuyển người đầu năm mà cuối năm người ta đi, thì đó là lỗi ở doanh nghiệp. Khi người ta có mong muốn khác mà doanh nghiệp không đáp ứng, họ bỏ đi kể cả khi không có tiền, thì đó là lòng tự trọng.
Tôi cũng không nghĩ bạn trẻ phải đi tuần tự. Tôi thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 tiêu chí, thứ tự quan trọng như sau: Thứ nhất là tố chất và năng khiếu – cái này không học tập hay rèn luyện mà có được; Thứ hai là quá trình học tập và rèn luyện; và Thứ ba là kinh nghiệm.
Một bạn trẻ mới ra trường, trải qua các vòng kiểm tra và phỏng vấn, nếu thấy bạn có tố chất lãnh đạo, chúng tôi sẵn sàng bồi dưỡng để đưa bạn vào vị trí lãnh đạo ngay.
Người ta hoàn toàn có quyền “nhảy cóc” nếu như đủ năng lực. Chỉ có cơ chế trong các cơ quan Nhà nước mới bắt buộc phải đi tuần tự. Còn cơ chế tuyển dụng lao động ở thị trường tự do sẽ tuyển nhân sự vào đúng vị trí nếu người đó phù hợp, bất kể là học gì ra hay có kinh nghiệm chưa. Làm được hay không chỉ sau 3 tháng là biết. Kể cả khi người đó không đáp ứng được, lỗi vẫn thuộc về nàh tuyển dụng vì chọn nhầm người.
Bảo các bạn đừng mơ mộng, đừng đòi hỏi là đi ngược lại mơ ước của tuổi trẻ. Khi người ta còn trẻ, người ta được quyền ảo tưởng, sai lầm, bởi người ta có thể làm lại từ đầu.
Tại sao lại triệt tiêu sự mơ mộng, khi mà thế giới chỉ thay đổi khi con người có ước mơ?
Quay trở lại với giáo dục trong nhà trường. Tôi cho là không nên đổ lỗi hay quy trách nhiệm, mà chỉ đáng tiếc là giáo dục chưa dạy cho người ta biết cách mơ, biết phải làm gì để biến mơ ước thành sự thật chứ không phải cứ nằm đó mà chờ đợi.
Văn Chung – Ngân Anh (ghi)
Theo Vietnamnet