Trong hơn 39.500 thí sinh thế giới ứng tuyển vào Đại học Harvard năm 2017, chỉ 5,2% trúng tuyển. Nguyễn Đình Tôn Nữ (Hà Nội) có tên trong danh sách này.
31/3 là ngày không thể quên của nữ sinh lớp 12 Anh 1 (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) Nguyễn Đình Tôn Nữ. Email được gửi đến từ đại học hàng đầu thế giới với dòng chữ Chào mừng bạn đến với Đại học Harvard khóa 2021 khiến nữ sinh bật khóc. Trước đó, Tôn Nữ gửi hồ sơ đến 16 trường như Stanford, Princeton, Yale… nhưng phần nhiều báo trượt.
“Em khóc vì cảm thấy biết ơn chứ không vì sung sướng. Cuối cùng em đã không phụ lòng của gia đình, thầy cô, bè bạn”, cô gái 18 tuổi nói. Tôn Nữ cho biết, đã dành cả ngày để cảm ơn những người xung quanh hỗ trợ, động viên, giúp em đạt thành tích mà bản thân chưa từng nghĩ tới.
Mức hỗ trợ tài chính Đại học Harvard gửi tới nữ Amser là 78.000 USD mỗi năm cho suốt 4 năm (khoảng 7 tỷ đồng). Nguyễn Đình Tôn Nữ cho biết, gia đình không đủ điều kiện kinh tế, thuộc diện có thu nhập dưới ngưỡng quy định của Harvard nên em được hỗ trợ toàn bộ học phí.
“Trong lần phỏng vấn thứ hai, người duyệt hồ sơ khu vực châu Á của Harvard đã ấn tượng với thành tích giải nhất quốc gia môn tiếng Anh của em. Cuộc trao đổi về lý do em chọn ngành học nhân văn và việc em đang dịch một bài cúng sang tiếng Anh cho mẹ, khiến nhà tuyển sinh thích thú. Đại diện Harvard nói cần những con người như em”, Tôn Nữ kể.
Buổi phỏng vấn với đại diện của đại học xếp thứ ba thế giới (theo QS World University Rankings) cũng như nhiều lần phỏng vấn với trường khác, Tôn Nữ không chuẩn bị trước hay chịu áp lực gì. Quá trình làm hồ sơ du học với em là khoảng thời gian thoải mái, được tìm hiểu, khám phá bản thân và những điều mình yêu thích.
“Các bạn hãy dừng ngay việc tự dằn vặt mình để đi học SAT, vì học mà vật lộn thì không bao giờ hiệu quả”, nữ sinh đạt điểm SAT I 1560/1600, TOEFL 118/120 nói. Tôn Nữ cho biết chỉ học khi thấy vui và cần thiết. Nếu đã ngồi học, nữ sinh sẽ tập trung cao độ suốt cả ngày. Tinh thần này, em được truyền dạy từ bố và mẹ – những người rất đề cao việc học và học một cách nghiêm túc.
Năm lớp 10 khi đang làm dự án về văn hóa học tập và được nhiều sự khen ngợi, nữ sinh Ams bất ngờ dừng mọi công việc bởi thấy chưa thật toàn tâm. Em sau đó tham gia nhiều câu lạc bộ như chụp ảnh, hùng biện tiếng Anh, thành viên ban tổ chức sự kiện Ngày hội anh tài của trường. Việc dốc sức cho các hoạt động này khiến em học được nhiều điều và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn đến du học.
“Em khác biệt với nhiều bạn cùng tuổi là chưa bao giờ bị bố mẹ ép buộc làm gì. Em được tự do học tập, tìm hiểu những điều mình thích và nhận được sự ủng hộ, tôn trọng từ bố mẹ. Điều duy nhất bố mẹ định hướng cho em là đã làm gì thì phải thật sự sâu sắc”, nữ sinh trường Ams tâm sự.
Từng giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh quốc gia năm 2017, nhất học sinh giỏi TP Hà Nội năm 2016, nhưng Tôn Nữ cho biết không yêu thích ngoại ngữ. Tiếng Anh chỉ là công cụ giúp em nghiên cứu những điều hứng thú như văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước phương Đông. Em thường xuyên dịch các tài liệu chuyên ngành sang tiếng Anh cho mẹ là kỹ sư và bố là nhà báo.
Việc dịch tài liệu, với nữ Amser là công việc khó, bởi cần hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, con người… Tự thấy mình thiếu vốn kiến thức về những lĩnh vực đó, Tôn Nữ muốn học sâu. Đại học Harvard với viện Harvard Yenching có kho tư liệu khổng lồ về Phật giáo, ngôn ngữ cổ… và những giáo sư hàng đầu ở lĩnh vực này “là vùng đất hứa” với em.
Năm 2017, Harvard đứng đầu các trường IVy League về tỷ lệ chấp nhận học sinh thấp nhất. Đại học này có hơn 39.500 thí sinh ứng tuyển, nhưng số trúng tuyển chỉ khoảng 2.000 (chiếm 5,2%). Tôn Nữ được nhận vào đây càng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
“Bây giờ đi đâu trong trường cũng thấy mọi người nhắc tên Tôn Nữ. Chị ấy là người đầu tiên trong nhiều năm gần đây của Ams không đến trung tâm du học mà tự làm hồ sơ và đỗ vào Harvard. Em rất ngưỡng mộ về điều này”, Hưng, học sinh lớp 10 THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nói. Em cho biết, ấn tượng lớn nhất với đàn chị là lúc nào cũng có cuốn sách cầm theo.
Tự chia sẻ về mình, Tôn Nữ bảo không phải là thần tượng hay tấm gương sáng. Em thường đi học muộn, không cẩn thận và khiến cô chủ nhiệm phải “đau đầu”. Tuy vậy, kết quả học tập trên lớp của em vẫn đạt điểm từ 8.9 đến 9.2.
Quỳnh Trang/Vnexpress