Tháng 8 tới, Hà Quốc Huy (18 tuổi, Hà Nội) sẽ trở thành sinh viên Đại học Columbia – trường đứng top 5 nước Mỹ, thuộc khối Ivy League danh giá.
Mùa tuyển sinh năm 2017, Columbia chỉ lấy 5,8% trong số hơn 37.000 ứng viên. Trước đó, nam sinh trường Quốc tế Anh (Hà Nội) chỉ có 8 tuần để hoàn thiện hồ sơ và chưa thi chuẩn hóa. “Em phải lăn lê bò toài để viết luận, ôn và thi liên tiếp các bài ACT, SAT II, TOEFL. Rất nhiều ngày, em chỉ ngủ 4 giờ, thời gian còn lại dành hoàn thiện hồ sơ”, Huy kể.
Dù biết lựa chọn trường khối Ivy League nộp hồ sơ là liều lĩnh, chàng trai 18 tuổi vẫn quyết tâm chinh phục trường School of Engineering and Applied Sciences chuyên đào tạo về khoa học ứng dụng của Columbia. Trường nằm ở thành phố New York, cũng là nơi Quốc Huy có thể thỏa mãn mọi đam mê về nghệ thuật như chụp ảnh, quay phim.
Là học sinh trường Quốc tế Anh (Hà Nội), vốn ngoại ngữ tốt, nên Huy làm các bài thi chuẩn hóa khá thuận lợi. Ở kỳ thi ACT, nam sinh đạt 35/36 điểm; bài TOFEL được 115/220 điểm. Ba môn thi SAT II là Toán, Lý, Hóa, em đều đạt điểm tuyệt đối với 800/800. Trước đó, năm lớp 11 Huy đạt điểm A-level ở 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, cao nhất Việt Nam.
Vốn năng động, từ sớm Hà Quốc Huy đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Em có 6 năm chơi bóng chày và từng góp mặt trong đội tuyển U16 thi đấu tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines… Chứng kiến sự trân trọng của bố mẹ khi cất giữ từng bức ảnh gia đình, phiếu bé ngoan, giải thưởng của các con…, Huy muốn làm gì đó giúp lưu giữ kỷ niệm cho mọi người.
Em tìm đến nhiếp ảnh và quay phim. Lớp 8, Huy lập ra đội làm phim và từng thắng giải dành cho học sinh Hà Nội. Nam sinh sau đó trở thành thợ chụp ảnh cho hãng thời trang và song song làm phim quảng cáo cho một số đơn vị.
Với đam mê khám phá khoa học, năm lớp 11, Huy cùng 2 người bạn nghiên cứu cách làm tăng hiệu năng cho pin năng lượng mặt trời làm từ chất liệu mới trộn lẫn giữa hữu cơ và vô cơ. Pin có giá thành thấp hơn pin làm từ chất vô cơ đang phổ biến hiện nay, lại an toàn và hiệu suất cao hơn.
Trong hội thảo khoa học về chất liệu Symposium on Frontiers in Material Science năm 2016, với sự tham gia của nhiều giáo sư ở các nước Nhật Bản, Myanmar, Ấn Độ…, dự án của nhóm Huy xuất sắc giành giải nhất. Đây là đội duy nhất trong khoảng 40 đội thi là học sinh THPT.
“Em may mắn khi có sẵn thành tích hoạt động ngoại khoá mà hồ sơ cần nhưng việc chỉ có 8 tuần để hoàn thiện nộp là quá liều lĩnh”, nam sinh chia sẻ. Chàng trai chinh phục thành công trường đại học thuộc khối Ivy League khuyên các bạn đi sau nên tìm hiểu sớm về quá trình làm hồ sơ du học và định hình các việc cần làm. Khi bước vào lớp 10, muộn nhất là đầu năm lớp 11, việc làm các dự án, thi chuẩn hoá SAT… nên bắt đầu.
Có kết quả các bài thi khá cao nhưng Hà Quốc Huy cho rằng, điều làm nên thành công khi chinh phục Đại học Columbia không nằm ở điểm số. Hoạt động ngoại khóa đa dạng, đặc biệt là sự khác biệt trong ước muốn kết hợp khoa học với nghệ thuật để giúp đỡ cộng đồng, là điều Huy gây ấn tượng.
Trong bài luận chính gửi tới Columbia, nam sinh viết về quá trình thuyết phục người bố có khao khát con trai nối nghiệp kinh doanh để được theo đuổi đam mê khoa học. Ở một bài luận khác, Huy chia sẻ về mong muốn đem nghiên cứu về năng lượng mặt trời đến những vùng khó khăn của châu Phi để xây hệ thống nước giúp cuộc sống người dân đỡ vất vả.
Từ kinh nghiệm của mình, “tân sinh viên” Đại học Columbia cho rằng không cần quá quan trọng việc đạt điểm cao khi làm hồ sơ du học. “Một điểm SAT tuyệt đối chưa chắc đã giúp bạn vào được khối Ivy nhưng những hoạt động ngoại khoá ấn tượng hoàn toàn có thể giúp hồ sơ của bạn ghi điểm”, nam sinh chia sẻ.
Sau thời gian học hỏi Đại học Columbia, Hà Quốc Huy mong muốn trở về Việt Nam để mở một trường đại học, giúp phát triển giáo dục của nước nhà.
Quỳnh Trang/Vnexpress