Mỗi suất học bổng trung học ở trường uy tín đến 250.000 USD, chỉ cấp cho vài em đã hết cả triệu USD nên họ không thể vung tiền được.
Cẩn thận với các trường “treo đầu dê, bán thịt chó”
Một người bạn của tôi vừa cho con đi Mỹ với khoản học bổng trung học nội trú 25.000 USD, gia đình chỉ phải đóng thêm 15.000 USD nhưng khi coi lại trường này ở nơi xa xôi, hẻo lánh. Mới thành lập ba năm, trường mang tiếng là ở Mỹ nhưng chỉ toàn du học sinh, chất lượng dạy học chưa có cơ sở để kiểm chứng.
Một người bạn khác cho con sang Canada du học, tới nơi mới biết trường trung học này toàn giáo viên một nước người châu Á, họ qua đây đầu tư. Học sinh lớp lớn ở đây hướng dẫn phụ huynh và học sinh mới vào trường nói tiếng Anh khá tệ.
Một cháu khác được cha mẹ cho 15.000 USD du học Mỹ ở một tiểu bang xa tít mù vùng Trung Tây. Tới nơi, cháu viết thư về nhà cho mẹ “Cái hình chụp tòa nhà của trường con là đúng rồi, nhưng trường chỉ thuê hai phòng trong đó. Trường này tệ lắm không học được mẹ ạ”. Gia đình cháu phải bỏ luôn một năm cho con học ở đó chỉ để biết thêm tiếng Anh, rồi chạy mãi mới chuyển được qua trường khác.
Nói như vậy để cha mẹ cần cẩn thận tìm hiểu, “điều tra” để phát hiện một trường trung học dở ở Mỹ, nhất là khi làm việc với các công ty du học. Về nguyên tắc, các trường tốt luôn trong tình trạng đầy ắp đơn xin nhập học nên bộ phận tư vấn chỉ ráng tìm cách gạt bớt người ra.
Học viện Phillips Exeter ở bang New Hampshire là một trong những trường nội trú giàu và uy tín ở Mỹ. |
Với những trường chả ai muốn học, họ sẽ tìm đến các thị trường như Việt Nam, tìm các công ty môi giới du học, cho hoa hồng cao, cấp học bổng để tìm du sinh.
Tiêu chí để chọn trường đầu tiên cần xem kỹ lịch sử nhà trường đã tồn tại bao nhiêu năm, sức chứa của họ là bao nhiêu học sinh, có bao nhiêu học sinh quốc tế trên tổng số học sinh?
Rồi đặt tiếp câu hỏi, họ dạy từ lớp nào tới lớp nào, dạy những cái gì, thành tích của học sinh ra sao, điểm số SAT thế nào, các lớp AP và các loại kỹ năng mà họ sẽ dạy, các hoạt động trong trường, cách truyền thông của trường, hồ sơ cá nhân các thày cô , kinh nghiệm dạy học của họ.
Đặc biệt cần xem kỹ cách nhà trường làm việc với phụ huynh học sinh, cách họ quản lý học sinh và cách họ thúc đẩy học sinh phát triển tính cách và học vấn. Muốn biết được những thông tin này, cha mẹ phải chịu khó đọc thông tin và biết cách so sánh.
Một lưu ý khác, tuy trường tốt là đắt tiền nhưng nhiều trường dở tệ mà đắt lè lưỡi, thu 40.000-50.000 USD mỗi năm. Họ dùng chiêu này để kiếm khối tiền từ du sinh, nhất là khi các bậc cha mẹ không đủ thông tin và phó mặc mọi sự cho các công ty du học.
Cạnh tranh quyết liệt để vào trường tốt
Thông thường, chi phí du học trung phụ thuộc vào các cháu thi cử thế nào và trường quyết định cho bao nhiêu tiền tùy theo quỹ của họ từng năm. Lúc đó, cách giải bài toán là tìm trường nào có học bổng vào năm đó.
Số tiền trường có phụ thuộc vào phụ huynh, nhà hảo tâm và cựu học sinh quyên góp. Khi hiến tặng, những người này nói rõ mục đích sử dụng số tiền.
Hồi con trai tôi còn đang học trường trung học Riverside tại Mỹ (nay cháu đã vào đại học) năm đầu tiên, nhà trường thông báo cựu học sinh trao tặng một triệu USD, mục tiêu là xây một tòa nhà trong trường làm nhà công vụ cho thầy chủ tịch học viện. Nghĩa là trong suốt nhiệm kỳ, thầy có mặt thường trực tại trường để trông nom học sinh cho cẩn thận, khi hết nhiệm kỳ thì chuyển cho thầy mới.
Năm thứ hai, một cựu học sinh khác hiến tặng trường 400.000 USD cho các học sinh phát triển thêm việc học mỹ thuật, kịch nghệ, điêu khắc và âm nhạc. Khi họ đã ghi rõ mục tiêu như vậy, trường không thể chi tiêu vào việc khác.
Như vậy, chỉ khi nào ai đó hiến tặng tiền cho trường mà ghi là “dành cho học sinh quốc tế, hay cho trường làm gì tùy ý” thì may ra mới có học bổng. Hoặc nguồn học bổng đến từ một chính sách thu hút học sinh Việt Nam mà trường thực hiện trong năm; hoặc khi xếp loại, Việt Nam thuộc vào quốc gia nghèo, trường sẽ có khuyến khích.
Khả năng trên khá thấp, bởi thế học bổng cho du sinh quốc tế và nhất là học sinh Việt Nam hiếm hoi. Ngoài ra, khả năng nhận học bổng còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh bằng tài năng của các cháu.
Lễ thượng cờ ở trường trung học Riverside (Mỹ). Ảnh: Nguyễn Thị Bích Hậu |
Tài năng trong một trường trung học tư thục nội trú ở Mỹ rất sẵn và có nhiều cháu cực giỏi. Chẳng hạn con trai tôi có cậu bạn học cùng lớp sáng tác nhạc rất hay, chơi piano rất cừ, biết bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Một bạn khác của cháu ngoài học hành xuất sắc còn là đô vật thượng thẳng, biết lái máy bay.
Một cậu bạn da màu khác của cháu thì nhảy múa hay tới nỗi khi nào có thi thố thì chẳng có đối thủ, luôn giành giải nhất. Có những cháu là vận động viên đua thuyền, chơi golf rất cừ hay chơi bóng chày giỏi tới mức được nhận học bổng thể thao của đại học. Các cháu này vào đại học vừa khỏi mất tiền ăn học, vừa có lương tháng nhờ đi thi đấu.
Vậy muốn có học bổng, con cái của chúng ta sẽ phải đấu với các bạn “xuất chúng” này, không chỉ từ Mỹ mà từ nhiều quốc gia khác. Do đó điểm chác và thành tích không phải là tất cả.
Điều quan trọng là trường phải nhận ra từ học sinh mình sắp nhận và sắp cấp tiền có một tư chất nào đó, kiểu như là người vừa có thành tích, lại vừa có tính cách phù hợp với các giá trị tinh thần của họ suốt hàng trăm năm qua. Để khi nhận học bổng rồi, các học sẽ làm rạng danh nhà trường, không phụ lòng mong mỏi của những ai đã hiến tặng học bổng cũng như mong mỏi của thầy cô.
Một người bạn của tôi là tiến sĩ từ Đại học Northwestern có chia sẻ “Không hiểu sao Mỹ họ chọn nhân tài rất giỏi. Những ai mà họ đã chấm đều làm nên công trạng chứ không phải người thường. Bởi bộ phận tuyển sinh cùng hội đồng nhà trường rất giàu kinh nghiệm để khi xét chọn để cấp học bổng, họ để chọn ra người xác đáng”.
Tóm lại, tôi có hai lời khuyên cho các phụ huynh. Một là nên thực tế với khả năng của các con, với khả năng săn tìm được trường tốt cho học bổng và chi phí của gia đình. Hai là nên tự tin tìm ra một góc phù hợp và đúng với những gì mà con mình có được.
Hãy là chính mình. Bởi chỉ khi là chính mình, các bạn và con cái mới có cơ hội tốt ở nước Mỹ.
Nguyễn Thị Bích Hậu/VNE