Chiều 22/2, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo vào nội dung sách giáo khoa (SGK) mới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT đang lắng nghe ý kiến của các nhà sử học, người dân. Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa… vào SGK với dung lượng phù hợp.
Trước đó, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 cần được đưa vào nội dung SGK.
Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho rằng, SGK hiện hành đã lạc hậu, nhiều bất cập và thiếu sót.
“Quan điểm của tôi là nội dung chương trình SGK mới được ban hành sau năm 2018 cần bổ sung hai kiến thức cơ bản: Chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979”, thạc sĩ Trần Trung Hiếu nói với Zing.vn.
Cụ thể, thầy Hiếu cho rằng, cần cập nhật quá trình hình thành, bảo vệ quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa. Về chiến tranh biên giới năm 1979, người viết sách muốn nói nhiều nhưng vì lý do tế nhị, SGK hiện tại chỉ còn 11 dòng. Đây là thiếu sót lớn. SGK cần viết rõ về chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1978 và biên giới phía Bắc năm 1979-1988.
Theo thầy giáo dạy Sử trường THPT Phan Bội Châu, việc nhắc lại lịch sử để hiểu hơn về giá trị, từ đó có trách nhiệm với Tổ quốc và định hướng tương lai.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng khẳng định, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữ nước của dân tộc Việt Nam cần được đưa vào SGK lịch sử một cách tương xứng với ý nghĩa của nó.
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hiện những kiến thức lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa mới chỉ có trong một số chương trình bồi dưỡng dành cho giáo viên, chưa có trong SGK.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thống nhất Bộ GD&ĐT để xem xét, triển khai, đưa nội dung này vào phần tích hợp giữa môn Địa lý và Lịch sử. Ngoài giảng dạy về điều kiện tự nhiên, khí hậu theo kiến thức Địa lý, chương trình cần lồng ghép phần lịch sử liên quan.
Quyên Quyên
Theo Zing