Từ 15/7, hàng nghìn nhà đầu tư FLC sẽ bắt đầu được hoàn tiền, sau khi Trịnh Văn Quyết nộp đủ gần 2.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và gia đình hoàn tất việc nộp gần 2.500 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đang lên kế hoạch chi trả tiền bồi thường cho các nhà đầu tư bị hại. Dự kiến, việc hoàn trả sẽ bắt đầu từ ngày 15/7, sau khi cơ quan chức năng hoàn tất việc rà soát và phân loại theo mức thiệt hại cụ thể của từng người.
Thông tin từ Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, quá trình xác minh thiệt hại và lập danh sách chi trả đang được thực hiện khẩn trương. Đây là một trong những vụ thi hành có giá trị lớn và số lượng bị hại đông, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chức năng để đảm bảo đúng đối tượng, đúng số tiền và đúng thời gian.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử ghi nhận việc ông Quyết và gia đình đã nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả, cùng hơn 5.000 đơn xin giảm nhẹ hình phạt từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và địa phương. Trên cơ sở này, tòa chấp nhận kháng cáo, chuyển hình phạt 3 năm tù sang phạt tiền đối với tội thao túng chứng khoán và giảm mức án tù đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ông Quyết bị tuyên phạt 7 năm tù và 4 tỷ đồng tiền phạt, giảm đáng kể so với tổng mức án 21 năm tù của bản án sơ thẩm.

Theo kết luận điều tra và bản án đã tuyên, trong giai đoạn 2017 – 2022, ông Trịnh Văn Quyết đã thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm nghiêm trọng. Ông chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của CTCP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, lập hồ sơ giả để đưa cổ phiếu ROS lên niêm yết trên sàn HOSE. Sau đó, bị cáo đã bán cổ phiếu ra thị trường, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng từ nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Quyết còn bị xác định là người cầm đầu nhóm thao túng giá 5 mã cổ phiếu gồm: AMD, HAI, GAB, FLC và ART. Bằng cách chỉ đạo người thân, trong đó có hai em gái, lập hàng loạt tài khoản đứng tên người khác, nhóm bị cáo đã thực hiện các giao dịch giả tạo, thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng.
Với tổng thiệt hại lên đến hơn 4.300 tỷ đồng, việc ông Quyết hoàn tất bồi thường là yếu tố quan trọng trong việc xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong suốt quá trình xét xử phúc thẩm, ông xin được xử vắng mặt do lý do sức khỏe. Bệnh viện 19-8 xác nhận ông trong tình trạng mệt nhiều, khó thở, mang nhiều bệnh nền và có “nguy cơ tử vong rất cao”.
Việc hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư bị hại được kỳ vọng sẽ giúp củng cố niềm tin vào hệ thống pháp luật và thị trường tài chính. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng đang phải gấp rút xử lý khối lượng công việc lớn khi mỗi năm tiếp nhận khoảng 75.000 vụ việc với giá trị lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Trong khi đó, biên chế còn thiếu khoảng 60 người, buộc cơ quan này phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và số hóa quy trình nhằm tối ưu hiệu quả công việc.
Bên cạnh nỗ lực thi hành án vụ Trịnh Văn Quyết, cơ quan chức năng cũng đang tái cấu trúc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự Hà Nội. Theo quyết định mới, cơ cấu tổ chức bao gồm 18 phòng chuyên môn và khu vực, cùng 12 phòng thi hành án tại các quận, huyện. Việc kiện toàn bộ máy được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ án lớn, phức tạp tiếp tục được đưa ra xét xử và thi hành trong thời gian tới.
Việc xử lý dứt điểm vụ án Trịnh Văn Quyết không chỉ là bước đi quan trọng trong việc hoàn trả tài sản cho nhà đầu tư, mà còn mang ý nghĩa lớn về mặt pháp lý và xã hội, thể hiện quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và duy trì sự minh bạch trên thị trường tài chính.
An Linh / Vietnamfinance.vn