Mục tiêu nghề nghiệp là nội dung quan trọng nhưng không phải ứng viên nào cũng biết cách trình bày. Dù là khi viết CV hay trả lời phỏng vấn thì đây sẽ là cơ sở quan trọng để nhà tuyển dụng khai thác và có những đánh giá tổng quát về bạn. Biết cách trình bày mục tiêu nghề nghiệp thông minh và phù hợp chính là điểm cộng và là lợi thế cạnh tranh của bạn với các ứng viên khác.
Vậy đâu là những gì nên lưu ý? Cùng CareerLink tìm hiểu 5 điều cần tránh khi chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp dưới đây nhé.
Thiếu sự chuẩn bị và đưa ra mục tiêu mơ hồ
Điều đầu tiên mà bạn cần tránh là chủ quan đợi đến khi nhà tuyển dụng ở Bình Dương, Đồng Nai… đặt câu hỏi mới bắt đầu suy nghĩ và liệt kê ra mục tiêu. Khi đó, bạn có thể sẽ bối rối và đưa ra các mục tiêu chung chung như: “Em muốn làm việc trong lĩnh vực marketing, quảng cáo” hoặc “Mục tiêu của em là trở thành một lập trình viên giỏi”.
Có thể thấy rằng đây đều là những mục tiêu rất mơ hồ, không mang lại thông tin gì hữu ích cho nhà tuyển dụng. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào một vị trí hoặc chức danh cụ thể trong ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn và từ đó phát triển câu trả lời. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể đưa ra các bước thực hiện cùng với thời gian để đạt được mục tiêu đó.
Đưa ra mục tiêu chưa phù hợp với định hướng doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ mong muốn ứng viên có thể phát triển để giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của họ. Thông thường các thông tin này sẽ được đề cập trong tin tuyển dụng hoặc bản mô tả công việc. Vì vậy rất khó để nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người phù hợp nếu mục tiêu mà bạn chia sẻ lệch hướng hoặc khác với kế hoạch sắp tới của họ.
Bí quyết là hãy tìm hiểu về doanh nghiệp, nắm bắt các từ khóa về kiến thức, kỹ năng và mục tiêu mà doanh nghiệp đang mong chờ ở vị trí bạn ứng tuyển. Đây chính là cách giúp bạn có được những “điểm chung” để từ đó đưa ra mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với cả hai bên.
Trình bày dài dòng
Lỗi trình bày quá dài dòng thường bị mắc phải do hai nguyên nhân: một là khi bạn chuẩn bị quá kỹ dẫn đến việc không tiết chế được, hai là khi bạn nói lan man do không chuẩn bị gì. Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì để khắc phục điều này, bạn chỉ cần nhớ tập trung vào hai ý nhỏ khi trình bày mục tiêu nghề nghiệp: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
Mục tiêu ngắn hạn (dưới 1 năm) là những mục tiêu nhỏ, đơn giản và gắn liền với tổ chức. Mục tiêu dài hạn (2 đến 3 năm) sẽ tập trung vào thành tựu nhất định trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Lưu ý điều này sẽ giúp có câu trả lời tập trung, ngắn gọn và súc tích.
Mục tiêu thiếu thực tế
Một lỗi sai thường gặp ở những bạn sinh viên mới ra trường đó là trình bày mục tiêu nghề nghiệp thiếu tính thực tế. Việc đưa ra những mục tiêu lý tưởng và xa vời không những không giúp nhà tuyển dụng ấn tượng về bạn mà còn trở thành điểm trừ do chưa biết cách đặt mục tiêu phù hợp.
Để đánh giá mục tiêu nghề nghiệp có thực tế hay không phụ thuộc vào các yếu tố: kinh nghiệm tích lũy, khả năng tự đánh giá và kế hoạch hành động. Vì thế hãy lựa chọn một số mô hình thiết kế mục tiêu hiệu quả như SMART khi viết CV hoặc phỏng vấn, chú ý đến các con số về thời gian và đo lường để tăng tính thuyết phục.
Thể hiện thái độ rụt rè, kém tự tin
Bên cạnh nội dung thì thái độ khi chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp cũng là điều mà nhà tuyển dụng quan tâm, đặc biệt là trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn thể hiện ra sự rụt rè, e ngại, thiếu tự tin thì dễ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không chắc chắn về những gì chia sẻ hoặc đó không phải là mục tiêu mà bạn muốn đạt được.
Đây là lý do mà tâm thế ổn định, vững vàng khi nói về mục tiêu nghề nghiệp của bản thân là điều mà bạn nên luyện tập trước. Giữ nhịp điệu ổn định, thái độ dứt khoát kết hợp với ngôn ngữ cơ thể thoải mái sẽ là chìa khóa giúp bạn “ăn điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.
Tiến Huy / Thị Trường Giao Dịch