Có nên tiết lộ mức lương ở công ty cũ với nhà tuyển dụng mới hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Nếu đưa ra mức lương quá cao, bạn có thể tuột mất cơ hội việc làm mà bạn vốn dĩ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Còn nếu đưa ra mức lương quá thấp, chắc chắn bạn sẽ phải chịu thiệt thòi trong quá trình deal lương. Vậy, đứng trước câu hỏi phỏng vấn này, đưa ra đáp án như thế nào mới là người khôn ngoan?
Bước 1: Làm rõ mục đích của câu hỏi
Hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng Biên Hòa, Bình Dương, TPHCM hay bất cứ nơi đâu mà bạn ứng tuyển rằng: “Dạ không biết anh chị cần thông tin này để làm gì ạ?”
Lúc này sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
- Nếu chỉ đơn giản là hỏi cho biết hay thuận miệng nên hỏi, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng chuyển sang câu hỏi khác.
- Họ sẽ thẳng thắn trả lời bạn rằng: “Chúng tôi cần thông tin này để offer cho bạn mức lương phù hợp”.
Thực tế, một số công ty sẽ dựa vào mức lương ở công ty cũ để quyết định mức lương mới của bạn. Vậy nên, việc chia sẻ mức lương cũ sẽ khiến bạn gặp bất lợi trong quá trình đàm phán lương, nhất là khi bạn chưa hiểu rõ về vai trò và trách nhiệm của mình trong công ty mới.
Bước 2: Đưa ra đáp án một cách nhanh chóng và dứt khoát
Phần lớn mọi người sẽ khuyên bạn rằng hãy thành thật về mức lương cũ với nhà tuyển dụng nhưng, sự thành thật chỉ là lựa chọn sau cùng dù cho trước đó bạn chỉ có ít hơn 2 sự lựa chọn.
Lựa chọn số 1: Từ chối cung cấp thông tin về mức lương ở công ty cũ
Theo nguyên tắc, bạn không được phép tiết lộ mức lương cũ vì một số công ty có chính sách bảo mật lương rất nghiêm ngặt.
Mẫu đáp án: Xin lỗi anh chị nhưng trước khi rời khỏi công ty cũ em đã ký một cam kết bảo mật mức lương nên không thể chia sẻ thông tin này được ạ. Nếu anh chị muốn đưa offer lương cho em thì em nghĩ mình có thể dựa vào thang lương của công ty đối với vị trí này, kết hợp với mức lương kỳ vọng của em. Bởi vì phạm vi công việc và yêu cầu công việc của mỗi công ty sẽ khác nhau, chưa kể năng lực, kinh nghiệm của em ở thời điểm hiện tại đã có sự khác biệt so với lúc còn làm việc ở công ty cũ. Em hy vọng tìm được một công ty sẵn sàng trả cho mình mức lương xứng đáng dựa trên việc họ thấy mình là ai, phù hợp với họ thế nào chứ không phải từ mức lương cũ của mình.
Đương nhiên, phương án này chỉ hiệu quả khi bạn đủ bản lĩnh và tinh thần đủ vững vàng. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn cần trao đổi trên tinh thần đóng góp, chia sẻ quan điểm cá nhân, tuyệt đối không chỉ trích, không tranh cãi. Nếu rớt phỏng vấn vì từ chối tiết lộ mức lương ở công ty cũ thì cũng chẳng sao cả, đơn giản là bạn không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của công ty đó mà thôi. Nhà tuyển dụng có quan điểm riêng của họ, nếu bạn cảm thấy không phù hợp thì đơn giản là không hợp tác.
Lựa chọn số 2: Trả lời một cách thẳng thắn, thành thật
- Bạn cảm thấy rất thoải mái với câu hỏi phỏng vấn này bởi vì lương ở công ty cũ của bạn cao mà, nào có ngán gì ai.
- Bạn rơi vào tình thế bắt buộc phải trả lời câu hỏi này bởi vì đây là quy định của công ty, HR không thể thay đổi, người phỏng vấn bạn cũng không thể thay đổi.
Trong trường hợp này, lời khuyên dành cho bạn là hãy trả lời một cách trung thực bởi vì lựa chọn nói dối đồng nghĩa với việc bạn thiếu chuyên nghiệp, thậm chí sự nghiệp của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu nhà tuyển dụng phát hiện ra sự thật. Tuy nhiên, đừng quên đề cập đến mức lương kỳ vọng của bạn, đặc biệt bạn cần chứng minh năng lực bản thân ở thời điểm hiện tại hoàn toàn xứng đáng với mức lương mà bạn đề xuất. Hãy tập trung giải thích những kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, mong muốn của bạn và những giá trị mà bạn có thể mang lại cho công ty nếu trúng tuyển.
Nếu không muốn đưa ra con số chính xác, bạn có thể đưa ra con số chung chung để nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về mức lương của bạn trong quá khứ. Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Mức lương ở công ty cũ của em trên 10 triệu đồng” thay vì “Lương ở công ty cũ của em là 10 triệu rưỡi”.
Điều quan trọng khi lựa chọn phương án này cho câu hỏi phỏng vấn về mức lương, đó là bạn cần tránh những con số không rõ ràng và không có thật. Nếu lựa chọn một khoảng giá hoặc con số chung chung, bạn cần dựa trên thực tế để đưa ra con số đó, giúp quá trình đàm phán lương diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Trang Đoàn / Thị trường giao dịch