Trong 9 tháng của năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
Đón 8,9 triệu lượt khách, du lịch Việt Nam vượt chỉ tiêu đón khách quốc tế năm 2023
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 9/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng tháng 8 và gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng của năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.
Như vậy, với con số 8,9 triệu lượt khách, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Thống kê cho thấy khách du lịch đến Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ châu Á với hơn 6,8 triệu lượt người, tiếp đó là khách đến từ châu Âu đạt hơn 1 triệu lượt người và khách đến từ châu Mỹ đạt 682.000 lượt người.
Đáng chú ý, sau 9 tháng của năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 18,9 triệu lượt du khách, tăng 36,5% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần so cùng kỳ năm 2022, còn lại là khách du lịch trong nước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% so cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách trong cả năm. Tuy nhiên, mới qua 9 tháng thành phố đã vượt chỉ tiêu nói trên.
Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), với tình hình khả quan như hiện nay, Việt Nam có thể nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế lên ít nhất đón 10 – 12 triệu lượt khách trong năm 2023.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, nhận định thị trường du lịch Ấn Độ là “miếng bánh” hấp dẫn để Việt Nam khai thác.
“Với dân số thuộc tốp đầu thế giới, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này thường có xu hướng đi cả nhóm bạn bè hoặc gia đình. Họ có tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi mạnh tay cho các nhu cầu mua sắm, vui chơi, ăn uống, tiệc tùng.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường ‘khó chiều’ khi họ khá chú trọng đến vấn đề văn hóa, tôn giáo. Vì vậy, để đón nguồn khách này, chúng ta cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực phù hợp, am hiểu văn hóa, con người để có hướng khai thác hiệu quả”, ông Thuỷ cho hay.
Còn theo chuyên gian kinh tế Đinh Trọng Thịnh, khó khăn của du lịch Việt Nam hiện nay là hoạt động xúc tiến, quảng bá ngành du lịch trong nước còn yếu so với các nước khác. Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản), du lịch sinh thái (bao gồm cả du lịch cộng đồng), du lịch đô thị và du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe để thu hút thêm khách du lịch nước ngoài.
Minh Anh / Vietnamfinance