Chiều 28/6, tại tỉnh Tây Ninh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cùng lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế năng động nhất của cả nước, có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các tỉnh Đông Nam Bộ cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Trước hết, cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch như: Thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch… Do đó, cần phối hợp tổ chức nhiều hội nghị mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Khi hạ tầng du lịch của vùng phát triển thì sản phẩm du lịch liên kết vùng chắc chắn sẽ nâng chất lượng, hấp dẫn với du khách.
Kế tiếp là đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành. Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của từng địa phương, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng thực hành. Việc đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.
Cùng với đó là liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể: Mỗi địa phương trong vùng đều có đặc trưng riêng: Bà Rịa – Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển đảo; Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực gắn với văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao; Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch khám phá – mạo hiểm – trải nghiệm; Tây Ninh có chiến khu D và núi Bà Đen…Đồng thời, cần khai thác hiệu quả sự đa dạng và khác biệt này trong chiến lược xây dựng sản phẩm chủ lực và thương hiệu chung cho vùng; cần phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện sản phẩm cũng như các yếu tố bổ trợ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của du lịch vùng.
Ngoài ra, phát triển du lịch vùng phải gắn với xu hướng du lịch thông minh và có trách nhiệm để phát triển bền vững. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan phải gắn liền với việc bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng. Phát triển du lịch thông minh cũng là một xu hướng phát triển bền vững, phải chú trọng sự đồng bộ của hạ tầng tích hợp dữ liệu với cấu trúc 3 bên là nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ với sáng kiến liên kết phát triển du lịch đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua; đồng thời tin tưởng sáng kiến này sẽ tạo động lực và sức sống mới cho du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao và có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên phát triển hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác như hàng không, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực…Chuỗi giá trị này sẽ tiếp tục gia tăng nếu đặt trong mối liên kết. Các địa phương sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh và phân công khai thác nguồn lực một cách hợp lý; sản phẩm du lịch sẽ phong phú hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch; doanh nghiệp, nhân dân các địa phương có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Mối liên kết này lại càng có ý nghĩa trong bối cảnh ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, thị trường du lịch nội địa được xác định là thị trường chủ lực để tái phục hồi lĩnh vực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Khởi động thành công thị trường khách nội địa là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc quảng bá và chào đón khách quốc tế trong thời gian tới bởi vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao qua hiệu quả của công tác kiểm soát dịch, khách du lịch quốc tế sẽ có xu hướng lựa chọn Việt Nam – một trong những quốc gia an toàn.
Để đạt được mục tiêu trên, sự liên kết hợp tác phát triển du lịch của vùng phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành, cũng như cộng đồng xã hội; làm nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Bên cạnh đó, từng cấp chính quyền của các địa phương trong vùng cần tiếp tục lắng nghe, chủ động tháo gỡ trong thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân và kịp thời kiến nghị Chính phủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển du lịch của vùng cũng cần bám sát Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, vùng Đông Nam Bộ được định hướng khai thác các sản phẩm đặc trưng như: Du lịch kết hợp hội nghị – hội thảo; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu; du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm.
Để có được mối liên kết bền vững, các địa phương trong vùng cần đoàn kết để thực hiện trọn vẹn năm chữ “Kết nối” trong quá trình phát triển du lịch là: Kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng; kết nối kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng; kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực; kết nối nhưng không hòa lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có.
Theo Bản thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã được ký kết tại Hội nghị có 5 nội dung chính là: Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú gắn với thế mạnh về du lịch của từng tỉnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Hải Đăng / Thị Trường Giao Dịch