Khảo sát Xu hướng Du lịch bền vững do Agoda thực hiện mới đây chỉ ra 3 giải pháp hàng đầu giúp du lịch phát triển bền vững bao gồm: cung cấp nhiều hơn những lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, hạn chế đồ nhựa dùng một lần và có hình thức trao thưởng bằng hiện kim cho những nhà cung cấp điểm lưu trú thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều khu bảo tồn nhằm hạn chế lượng khách du lịch và loại bỏ các sản phẩm phòng tắm dùng một lần cũng là những phương pháp hữu ích trong bảng xếp hạng những giải pháp tích cực góp phần giúp du lịch thêm bền vững.
Khảo sát được công bố nhân Ngày Môi trường thế giới 05/06/2021 cũng phần nào tiết lộ tình trạng quá tải khách du lịch trên toàn thế giới và ô nhiễm biển và nguồn nước là hai vấn đề cần làm ảnh hưởng đến du lịch hiện nay và cần được quan tâm hàng đầu, theo sau là vấn nạn phá rừng làm du lịch và sử dụng năng lượng không hiệu quả (bao gồm tiêu thụ điện/nước quá mức cần thiết) cùng đồng hạng 3.
Theo khảo sát, Việt Nam đánh giá quá tải khách du lịch, nạn phá rừng làm du lịch và sử dụng nhiều đồ nhựa dùng một lần là những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.
Các điểm đến nổi tiếng luôn trong tình trạng quá tải khách du lịch mỗi dịp lễ (Nguồn ảnh: Zing News)
Cụ thể hơn, chỉ có khoảng ¼ người Việt làm khảo sát cho rằng các cơ quan quản lý du lịch giữ trách nhiệm chính trong việc cải thiện sự bền vững của ngành du lịch quốc gia. Ngoài ra, người Việt Nam tin rằng Chính phủ và các đơn vị lữ hành là những người sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm về đảm bảo du lịch bền vững.
Ngày càng nhiều người Việt Nam hy vọng rằng các khách sạn và điểm lưu trú bắt đầu chuyển sang sử dụng nước và các nguồn năng lượng tái tạo cũng như giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Với vai trò là du khách, xu hướng hiện tại của họ là ưu tiên hơn cho những điểm tham quan nguyên sơ, ít người biết đến.
Chính phủ được cho là chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc tạo nên những thay đổi hướng tới mục tiêu du lịch bền vững
Trên thế giới, công chúng cho rằng Chính phủ đảm nhận trách nhiệm chính trong việc tạo nên những thay đổi tích cực với môi trường xoay quanh hoạt động du lịch, kế đến là trách nhiệm của các cơ quan du lịch và từng cá nhân. Trong đó, có đến 36% người dân ở Indonesia và Anh dành sự tín nhiệm cao nhất cho Chính phủ (36%), theo sau là Trung Quốc (33%), Úc (28%) và Malaysia (27%). Mặt khác, những quốc gia tin chính mỗi cá nhân có vai trò quan trọng nhất để du lịch trở nên bền vững là Thái Lan (30%), Nhật Bản (29%) và Mỹ (28%). Trong khi đó, Trung Quốc (11%), Anh (13%) và VIệt Nam (14%) là những thị trường không cho rằng trách nhiệm này thuộc về cá nhân.
Khi được hỏi về việc sẽ cam kết những gì nhằm góp phần tạo ảnh hưởng tích cực cho du lịch sau khi Covid-19 kết thúc, những câu trả lời được ghi nhận nhiều nhất trên toàn thế giới lần lượt là: giảm thiểu rác thải trong suốt thời gian du lịch, tắt đèn và máy lạnh khi rời khỏi phòng và luôn tìm và ưu tiên những nơi lưu trú “xanh”.
Các khách sạn “xanh” đang ngày càng được ưa chuộng hơn. Ảnh: Topas Ecolodge (Sapa) (Nguồn ảnh: Agoda)
Điều thú vị nhất được ghi nhận rằng mặc dù quá tải khách du lịch là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu, nhưng việc lựa chọn ghé thăm những điểm đến ít nổi tiếng hơn chỉ đứng vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng top 10 những cam kết sẽ thực hiện nhằm giúp du lịch ngày càng bền vững hơn.
Không có giải pháp chung cho tất cả các thị trường
Những hành động góp phần giúp du lịch bền vững hoặc thân thiện với môi trường bao gồm: sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và nước, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, bảo tồn động vật và giảm lượng khí thải carbon cùng nằm ở vị trí thứ 3.
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng khác như sử dụng thẻ chìa khóa hoặc cảm biến chuyển động, sử dụng các sản phẩm làm sạch từ thiên nhiên được xem là những hành động thiết thực. Điều thú vị là mua sắm các sản phẩm tại địa phương, tái sử dụng khăn trải giường hoặc khăn tắm trong kỳ nghỉ và ghé thăm các điểm du lịch không quá đông khách lại là 3 giải pháp được lựa chọn cuối cùng trong top 10 những hành động tích cực hướng đến du lịch bền vững.
Ông John Brown, Giám đốc điều hành Agoda giải thích: “Thông qua Khảo sát Xu hướng Du lịch Bền vững, chúng tôi thấy rằng việc thực hiện các bước đơn giản như tắt đèn và điều hòa không khí khi ra khỏi phòng hoặc giảm thiểu chất thải bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần đang được công chúng đón nhận trên toàn cầu. Và rõ ràng Chính phủ cần đi đầu trong việc quản lý du lịch bền vững nhưng trách nhiệm chính vẫn nằm ở hành vi của mỗi chúng ta”.
“Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau về các hoạt động thân thiện với môi trường hoặc du lịch bền vững, nhưng hầu hết du khách đều mong muốn có thể thực hiện tốt phần việc của mình bằng cách cam kết lựa chọn các nơi lưu trú thân thiện với môi trường hoặc đưa ra những lựa chọn thông minh dành cho môi trường khi đi du lịch. Một trong những cách dễ dàng nhất để tránh những lo âu về việc quá tải khách du lịch là lựa chọn các điểm đến ít người biết tới. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã nhìn thấy sự chuyển đổi trong mô hình du lịch khi mọi người có xu hướng khám phá các điểm đến ít nổi tiếng ở khu vực trong nước. Nếu như quản lý tốt, điều này không chỉ hỗ trợ các chủ khách sạn và nhà cung cấp dịch vụ lưu trú độc lập có nền kinh tế phụ thuộc vào khách du lịch sử dụng đồng đô la, mà còn có thể giảm bớt gánh nặng về môi trường đối với các khu vực quá đông đúc”, ông John Brown chia sẻ.
“Du lịch là một ngành công nghiệp. Vì vậy, chúng tôi cần tiếp tục tìm ra những giải pháp giúp du khách có thể dễ dàng tìm kiếm các địa điểm cung cấp dịch vụ lưu trú bền vững trên Agoda, hỗ trợ và khuyến khích nhiều đối tác hơn sử dụng thẻ chìa khóa, các nguồn năng lượng tái tạo hoặc hạn chế khí thải carbon đối với các sản phẩm du lịch”, ông Brown nói thêm.
Covid-19 có tác động tiêu cực đối với du lịch bền vững
Theo khảo sát, du lịch bền vững có sự gia tăng nhiều nhất đối với du khách đến từ Hàn Quốc (35%), Ấn Độ (31%) và Đài Loan (31%). Tuy nhiên, khi nhìn vào các số liệu trên toàn cầu, mặc dù có sự gia tăng 25% đối với du khách mong muốn du lịch bền vững, 35% người được hỏi đã không còn quan tâm đến du lịch bền vững so với năm trước đó. Theo báo cáo thị trường, mức giảm tỷ trọng lớn nhất là Indonesia (56%), Thái Lan (51%) và Philippines (50%).
“Điều đáng lo ngại là phần lớn du khách có suy nghĩ rằng du lịch bền vững không còn quan trọng so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng tôi hy vọng đó chỉ là hiệu ứng ngắn hạn bị ảnh hưởng bởi mong muốn được đi du lịch trở lại của tất cả mọi người”, ông John Brown kết luận.
Việt Nam
- Hầu hết người Việt Nam lo ngại về tình trạng quá tải khách du lịch, tiếp đến là nạn phá rừng làm du lịch và cuối cùng là việc sử dụng nhựa dùng một lần tại các điểm lưu trú
- 26% người Việt Nam cho rằng các cơ quan quản lý du lịch chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc tạo thay đổi nhằm góp phần làm du lịch bền vững, tiếp theo là Chính phủ và sau đó là các đơn vị tổ chức tour du lịch.
- Du khách Việt Nam cam kết luôn tìm những nơi lưu trú “xanh”, giảm thiểu rác thải, tắt đèn và máy lạnh khi rời khởi phòng khách sạn để góp phần cho du lịch bền vững.
- Những hành động được xem là hữu ích nhất góp phần cho du lịch Việt Nam bền vững bao gồm: các điểm lưu trú có thể sử dụng năng lượng hoặc nguồn nước tái tạo, ghé thăm những điểm du lịch không quá đông khách và điểm lưu trú không sử dụng nhựa dùng một lần.
- Du khách Việt Nam khi được hỏi về hành động nào góp phần giúp du lịch bền vững đã cho biết: sử dụng các sản phẩm làm sạch có thành phần tự nhiên (40%), bảo tồn động vật (38%), sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo (36%).
- Theo các du khách Việt Nam, những biện pháp khác góp phần tích cực cho du lịch bền vững hơn bao gồm: cung cấp nhiều hơn những lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần tại các điểm lưu trú hoặc trên máy bay, trao thưởng bằng hiện kim cho những nhà cung cấp điểm lưu trú thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng
Những biện pháp khác
- Dù việc bắt buộc khách du lịch phải trả phí đền bù khí carbon thải ra để góp phần du lịch bền vững hơn được ít lựa chọn nhất, nhưng những người được hỏi ở Ấn Độ lại hầu như ủng hộ việc này hơn so với Trung Quốc, nơi không ưu tiên giải pháp này, theo sau đó là Mỹ và Đài Loan.
- Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Úc là những thị trường đề xuất nhiều nhất giải pháp trao tặng hiện kim cho các nhà cung cấp điểm lưu trú thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng
- Nhật Bản là thị trường có số lựa chọn thấp nhất trong việc đề nghị thành lập thêm nhiều khu bảo tồn hơn nhằm hạn chế số lượng khách du lịch, tiếp theo là Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi đó, các thị trường Philippines, Indonesia và Malaysia lại ủng hộ điều này.
- Anh dẫn đầu danh sách với nhiều ủng hộ nhất cho việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần các điểm lưu trú/trên máy bay, tiếp theo là Úc, Indonesia và Philippines. Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản có ít lựa chọn cho biện pháp này nhất.
- Malaysia, Philippines và Indonesia hầu hết tán thành việc hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần tại các điểm lưu trú/trên máy bay hoặc cung cấp nhiều hơn những lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, chẳng hạn như gắn thẻ môi trường trên nền tảng du lịch kỹ thuật số. Mặc dù ở cùng một thang đo nhưng Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường xếp các giải pháp này ở cuối bảng lựa chọn của họ.
- Loại bỏ những đồ dùng vệ sinh dùng 1 lần được ủng hộ nhiều nhất bởi Đài Loan, Nhật Bản và Anh
Về trách nhiệm thay đổi để góp phần giúp du lịch bền vững hơn
- Tất cả các độ tuổi đều chọn Chính phủ là người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất ngoại trừ Thế hệ im lặng (những người sinh trước năm 1946), những người chiếm tỷ lệ lớn nhất trong việc cho rằng các cá nhân là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc góp phần giúp du lịch ngày càng bền vững hơn.
- Nam giới có xu hướng cho rằng chính phủ chịu trách nhiệm cao nhất (28%), tiếp theo là các cơ quan quản lý du lịch (21%) và bản thân họ (20%). Với cùng tỷ lệ tương đương, nữ giới cho rằng chính phủ và các cơ quan quản lý du lịch chịu trách nhiệm cao nhất (25%), tiếp theo là chính họ (19%).
Bảng xếp hạng những cam kết nhằm góp phần giúp du lịch bền vững hơn
- Giảm thiểu rác thải trong suốt thời gian du lịch (ví dụ: ít sử dụng đồ nhựa dùng một lần hơn).
- Tắt đèn và máy lạnh khi rời khỏi phòng.
- Luôn tìm kiếm những nơi lưu trú “xanh”.
- Cố gắng giảm lượng carbon thải ra môi trường (ví dụ: di chuyển chủ yếu bằng xe buýt, xe lửa hoặc thuyền hoặc chi trả để đền bù khí carbon thải ra).
- Cố gắng tái sử dụng các tiện ích khi lưu trú như khăn tắm hoặc khăn trải giường.
- Mua sắm tại các cửa hàng địa phương/doanh nghiệp tư
- Ghé thăm những điểm đến ít nổi tiếng hơn
- Nhặt rác khi đi du lịch biển
- Sử dụng dụng cụ cá nhân và yêu cầu không trang bị đồ dùng vệ sinh cá nhân trong phòng
- Sử dụng các sản phẩm an toàn cho rạn san hô khi tắm biển
- Philippines, Malaysia và Ấn Độ là những thị trường ưu tiên cho cam kết tìm kiếm các điểm lưu trú thân thiện với môi trường.
- Singapore, Anh và Úc là những thị trường ưu tiên cho cam kết tái sử dụng đồ dùng khách sạn như khăn tắm và khăn trải giường, trong khi Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Thái Lan là những thị trường ít ưu tiên cam kết này hơn.
- Indonesia, Philippines và Malaysia là những thị trường ưu tiên cho cam kết ghé thăm những điểm đến ít nổi tiếng hơn để giúp du lịch bền vững, trong khi Nhật Bản, Anh và Đài Loan ít ưu tiên cam kết này.
- Đa số các thị trường chọn kiểm soát rác thải, bao gồm hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, là một trong ba giải pháp hàng đầu, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines là những thị trường ít ưu tiên cam kết này.
- Mặc dù ô nhiễm nguồn nước được coi là mối lo ngại thứ hai về những ảnh hưởng đến du lịch, việc nhặt rác ngoài bãi biển chỉ xếp thứ 8 trong số 10 cam kết để giúp du lịch bền vững hơn, với chỉ 18% người được hỏi cam kết thực hiện việc này.
- Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Trung Quốc là những thị trường hàng đầu cam kết nhặt rác khi đi du lịch biển. Ngược lại, người được hỏi tại các quốc gia như Singapore, Đài Loan và Nhật Bản ít ưu tiên cam kết này hơn.
- Mua sắm tại các cửa hàng địa phương xếp vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng. Trong đó, Úc (35%), Anh (31%) và Mỹ (28%) là những thị trường ưu tiên cho cam kết này. Nhật Bản (5%), Trung Quốc (9%) và Đài Loan (11 %) là những thị trường ít ưu tiên cam kết này.
- Tỷ lệ nữ cam kết giảm thiểu rác thải là 44% (so với 40% của nam) và cam kết tắt máy lạnh/đèn là 44% (so với 36% của nam).
- Những cam kết từ vị trí 5 đến 10: sử dụng các sản phẩm an toàn cho rạn san hô khi tắm biển (14%), sử dụng dụng cụ cá nhân và yêu cầu không trang bị đồ dùng vệ sinh cá nhân trong phòng (17%), nhặt rác khi đi du lịch biển (18%), ghé thăm những điểm đến ít nổi tiếng hơn (19%), và mua sắm tại các cửa hàng địa phương (21%)
- Mặc dù ba cam kết hàng đầu ở nam và nữ đều giống nhau, cam kết thứ tư lại khác nhau, khi nữ mong muốn sẽ tái sử dụng các tiện nghi của khách sạn, trong khi nam giới lựa chọn cam kết điều vĩ mô hơn như cố gắng giảm lượng carbon thải ra môi trường.
- Người Singapore ưu tiên cho cam kết tắt đèn và máy lạnh khi rời khỏi phòng và tái sử dụng các tiện ích hơn so với các thị trường khác.
- Philippines (49%), Malaysia (43%) và Ấn Độ (42%) ưu tiên cho cam kết luôn tìm kiếm những nơi lưu trú “xanh” khi họ đi du lịch sau Covid-19 nhất
- Ngược lại, người Anh (14%), Trung Quốc (17%), Mỹ (17%), Nhật Bản (18%) và Hàn Quốc (18%) ít ưu tiên cam kết tìm kiếm những nơi lưu trú “xanh” nhất.
Quế Châu / Thị Trường Giao Dịch