Sau sáp nhập, nhiều xã có thể có tới 60 công an chính quy, trong đó 6–10 người là điều tra viên. Đây là một phần trong đề xuất tăng cường lực lượng điều tra ở cơ sở, nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các vụ án ngay từ tuyến đầu.
Tăng cường lực lượng điều tra tại cơ sở
Chiều 27/5, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc giao thêm thẩm quyền điều tra cho lực lượng công an cấp xã.
Theo đó, trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã là điều tra viên trung cấp trở lên có thể được thủ trưởng cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh phân công thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn xã, với khung hình phạt đến 7 năm tù.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ chủ trương này và cho biết, sau khi bỏ công an cấp huyện, hoạt động điều tra ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. “Khi có vụ án, xã phải mang hồ sơ lên công an tỉnh để trình phó thủ trưởng cơ quan điều tra xét duyệt. Việc này rất bất cập, nhất là sau khi sáp nhập tỉnh, khoảng cách địa lý có thể lên tới hàng trăm cây số”, ông Hòa nói.

Lấy ví dụ tại địa phương mình, ông Hòa nêu rõ, nếu Đồng Tháp sáp nhập với Tiền Giang, công an tỉnh sẽ đóng ở Mỹ Tho. Khi vụ việc xảy ra tại Đồng Tháp, cán bộ xã phải đi rất xa để trình duyệt hồ sơ, khiến việc truy bắt tội phạm dễ bị chậm trễ, thậm chí bỏ lọt tội phạm.
Từ thực tiễn đó, ông Hòa đề nghị tăng cường lực lượng điều tra cho công an cấp xã, đồng thời xem xét thành lập cơ quan điều tra khu vực thay cho công an điều tra cấp huyện trước đây. Mô hình này sẽ tạo sự đồng bộ với hệ thống tòa án và viện kiểm sát khu vực, đảm bảo hiệu quả trong điều tra, truy tố và xét xử. Khi đó, theo ông Hòa, có thể không cần bố trí điều tra viên trực tiếp tại từng xã nữa.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cho rằng việc giao thêm thẩm quyền cho điều tra viên cấp xã là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp. “Nếu sự việc xảy ra mà phải chờ ý kiến cấp trên thì sẽ quá chậm. Trong khi đó, công an xã có điều tra viên chuyên nghiệp tại chỗ sẽ xử lý nhanh, hiệu quả”, ông Sang nói.
Ông cũng dẫn lại báo cáo của Bộ Công an ngày 28/4, cho biết công an xã sẽ được tăng cường với 6-7 điều tra viên trong tổng biên chế. “Trước đây công an xã chủ yếu giữ hiện trường, nay được tăng cường điều tra viên, có thể chủ trì điều tra vụ việc dưới sự kiểm sát của viện kiểm sát khu vực. Đây là lực lượng chuyên nghiệp, được điều động từ cấp huyện và tỉnh xuống”, ông nhấn mạnh.
Tăng biên chế phù hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc bố trí trưởng hoặc phó trưởng công an xã là điều tra viên trung cấp trở lên là phù hợp với thực tiễn sau khi bỏ cấp huyện.

Theo ông Tiến, đây là lần đầu tiên tổ chức lực lượng điều tra ở cấp xã. Trước đây, công an xã chỉ thực hiện một số nhiệm vụ nghiệp vụ, không có thẩm quyền điều tra. “Việc bổ sung thẩm quyền điều tra phải đảm bảo tuyệt đối yêu cầu về quyền con người, bởi xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng, có tính răn đe và hạn chế quyền công dân”, ông nhấn mạnh.
Do đó, theo Viện trưởng, quy trình thụ lý, khởi tố và điều tra của điều tra viên cấp xã sẽ được quy định hết sức chặt chẽ. Đồng thời, lực lượng này không hoạt động đơn lẻ mà là một hệ thống có chỉ huy từ cấp tỉnh và được kiểm sát đầy đủ.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, dự kiến mỗi xã sau sáp nhập sẽ có từ 30-60 cán bộ công an, tùy theo địa bàn và tính chất phức tạp về an ninh trật tự. Trong đó, số lượng điều tra viên có thể từ 6 đến 10 người. “Những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM hoặc xã có quy mô dân số lớn sẽ có lực lượng đông hơn”, ông Tiến nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cũng bày tỏ đồng tình với chủ trương này nhưng đề nghị rà soát kỹ thẩm quyền và năng lực thực thi của điều tra viên cấp xã. “Không chỉ bố trí điều tra viên từ cấp tỉnh, mà cần đào tạo bài bản kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng đánh giá và thu thập chứng cứ. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực rõ ràng”, bà Lệ nêu rõ.
An Linh / Vietnamfinance.vn