Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã đạt 99,8% dân số. Trong khi, những nước thu nhập cao cũng chỉ đạt tới 99,4%…
Tại phiên chất vấn chiều ngày 7/11, một số đại biểu Quốc hội đã đặt các câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về phủ sóng viễn thông tại các thôn bản; phát triển thuê bao di động, viễn thông trực tuyến; định hướng và chính thống hóa các trang fanpage của các tổ chức, cơ quan; giải pháp bảo vệ cá nhân trên môi trường mạng…
Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam đã đạt 99,8% dân số
Trước chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) về vấn đề phủ sóng các vùng sâu, vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2021, khi xảy ra dịch COVID-19, học sinh cả nước phải học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng, các Sở Thông tin và Truyền thông rà soát từng vùng lõm sóng, thậm chí có những vùng miền núi chỉ vài chục nóc nhà để tiến hành phủ sóng từng vùng lõm sóng này.
Đến nay, 2.100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Theo Bộ trưởng, có một thông tin rất vui đó là tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã đạt 99,8% dân số, trong khi, những nước thu nhập cao cũng chỉ đạt 99,4%.
Năm 2023, các địa phương có phát hiện thêm và sau khi rà soát thì hiện nay xác định là còn khoảng 420 điểm lõm sóng nữa phải phủ tiếp và Bộ TT&TT đã đưa vào kế hoạch để sử dụng Quỹ viễn thông công ích. Kế hoạch sẽ hoàn thành trước tháng 6/2024.
Theo Bộ trưởng, một điểm khó là còn 150 điểm vùng lõm sóng lại chưa có điện. Bộ TT&TT cũng đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Điện lực để bàn giải pháp đưa điện đến những vùng này. “Giả sử khó khăn thì chúng tôi cũng đang có một giải pháp là dùng điện mặt trời. Có lẽ về phủ sóng vùng sâu, vùng xa thì Việt Nam là một trong những nước làm rất tốt vì chúng ta có Quỹ viễn thông công ích do các nhà mạng đóng góp” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Trước chất vấn của đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) về tiến độ phủ sóng 4G, 5G và phương thức đăng ký thuê bao trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại thông tin đã giải trình trước đó, sóng 4G đến thời điểm này đã đạt 99,8% dân số. Theo dự kiến, tới năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Cuối năm nay, Việt Nam sẽ đấu giá tần số 5G. Sau đó, các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc. Cơ bản các nhà mạng sẽ lắp đặt các trạm phát sóng 5G trên hạ tầng cũ, tức là cột ăng ten của 2G, 3G, 4G, do đó, đầu tư cũng giảm, thời gian triển khai cũng sẽ rất nhanh. “Đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phủ sóng và tôi nghĩ là sẽ nhanh hơn” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi nói đến đăng ký thuê bao, nhất là ở những vùng xa thì không thuận lợi khi phải tìm đến cửa hàng của các nhà mạng. Hiện nay Bộ TT&TT đang cho nghiên cứu thí điểm để đăng ký thuê bao bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chính xác, không xuất hiện các sim rác và sau khi Luật Viễn thông được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này và có hiệu lực vào ngày 01/7/2024. Đồng thời, hình thức đăng ký trực tuyến này cũng sẽ có quy định cụ thể trong nghị định về viễn thông.
Bộ, ngành địa phương cần cùng có trách nhiệm, chung tay quản lý không gian mạng
Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) về sự chính danh của các tổ chức ở trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, rất nhiều các tổ chức của chúng ta hiện nay đều có một trang trên mạng xã hội và có một mong muốn là trang đấy có tính chính thức, thông qua sự chính thức để truyền tải đến đông đảo xã hội và thể hiện uy tín của trang đấy.
Hiện nay, một số nền tảng mạng xã hội đã có sẵn chức năng này, hỗ trợ chức năng này. Ví dụ như Facebook, gọi là “tích xanh”, khi cung cấp đầy đủ thông tin, được xác thực của tổ chức đấy thì họ sẽ cấp cho tích xanh. Khi những người sử dụng nhìn thấy tích xanh sẽ thấy được uy tín của tổ chức đó. Nhưng chưa phải tất cả các mạng xã hội đều có chức năng này.
Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian gần đây đã làm việc với một số mạng xã hội chưa có chức năng này để phát triển, cơ bản đến hết năm nay các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa việc này trong một nghị định dự kiến sẽ ký trong quý IV/2023 là Nghị định 12 về nội dung trên Internet.
Trả lợi chất vấn của đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) liên quan đến vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên các mạng xã hội và đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới.
Chúng ta đã đạt được một cơ chế làm việc với các mạng xã hội này về chuyện tháo gỡ các thông tin sai sự thật, quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc và chúng ta cũng đã thể chế hóa nó ở trong các văn bản pháp luật cả trách nhiệm của mạng xã hội, thời gian tháo gỡ… Hiện nay, tỷ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội, trong đó có cả các mạng xã hội xuyên biên giới là rất nghiêm, nhưng vấn đề là chúng ta phải phát hiện và phải báo cáo để tháo gỡ. Hiện nay bộ, ngành, địa phương nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng.
Nếu như khi thực thi gặp khó khăn, sẽ có sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Bộ Công an là hai bộ nòng cốt, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc chính thì vẫn phải là các bộ chuyên ngành. Ví dụ như nói về thuốc, nói về thực phẩm chức năng cái nào đúng, cái nào sai, quảng cáo đúng hay sai là thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.
“Hiện nay các bộ, ngành, các địa phương của chúng ta lên không gian mạng chưa nhiều và nhiều lúc cứ nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ TT&TT hoặc là của Bộ Công an. Tôi nghĩ cần thay đổi nhận thức này, thế giới thực và thế giới ảo là ánh xạ 1-1, ai làm gì ở trong đời thực thì làm điều đó ở trên không gian mạng. Một lần nữa tôi rất mong muốn chúng ta xác định trách nhiệm của bộ ngành mình, của địa phương mình trong thế giới thực như thế nào thì lên mạng cũng như thế. Trong quá trình thực thi gặp bất kỳ khó khăn gì về việc tháo gỡ thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật thì gửi công văn đến Bộ TT&TT chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) về bảo vệ bảo vệ sự xâm hại nói chung trên không gian mạng, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tiên phải nói đến chuyện thể chế, các quy định của pháp luật. Việc quản lý mạng xã hội đang được sửa đổi trong Nghị định 72. Đây là một nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư thì xử lý như thế nào, sau khi có thể chế thì chúng tôi nghĩ rằng cũng phải có các thiết chế để hỗ trợ người dân.
Theo Bộ trưởng, hiện nay Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, xử lý các thông tin xâm hại người dân ở mức quốc gia, gọi là trung tâm xử lý tin giả quốc gia, khá nhiều quốc gia cũng đã làm cách này. “Chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn, tức là ở mức các tỉnh vì hiện nay chúng ta “di chuyển” lên không gian mạng hầu hết các hoạt động của cuộc sống. Chúng tôi cũng cân nhắc là có thể sẽ ban hành trong năm nay, yêu cầu thành lập trung tâm xử lý tin giả, hỗ trợ người dân trên không gian mạng ở mức cấp tỉnh. Có một việc nữa, để thực thi pháp luật nghiêm minh, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính xâm hại” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra ví dụ, vừa rồi chúng ta cũng thấy một vụ là xử lý bà Phương Hằng. Những vụ việc xử lý một cách nghiêm minh bằng hình sự như thế này mang tính răn đe rất cao. Cũng không thể không nói đến việc căn cơ hơn, tức là xây dựng văn hóa số. Không gian mạng là một môi trường hoàn toàn mới với chúng ta. Chúng ta sống trong thế giới thực có lẽ nhiều chục nghìn năm rồi mà có vẻ như vẫn còn rất nhiều vấn đề, huống chi là chúng ta mới di chuyển qua không gian mạng được cỡ khoảng hơn 20 năm.
“Tôi nghĩ rằng xây dựng văn hóa ứng xử, kể cả việc đưa vào trong các chương trình đào tạo phổ thông lồng ghép vào chương trình công nghệ thông tin. Bộ TT&TT có làm thêm một việc là hình thành một nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ mình, để tăng sức đề kháng, cũng biết cách ứng xử. Nền tảng này là toàn dân và hiện nay mới ra chưa được một năm nhưng số lượng người vào để học, vào để lấy kỹ năng được khoảng hơn 20 triệu. Tôi nghĩ đấy là một hình thức rất tốt, đặc biệt là vấn đề truyền thông. Tôi nghĩ rằng câu chuyện không gian mạng hiện nay mới mẻ với khá nhiều người và cũng nhiều tệ nạn ở trên đấy, hay bao nhiêu thì tệ nạn tương đương bấy nhiêu. Cho nên truyền thông để nhận thức xã hội, để cho người dân biết được những hiện tượng xấu, những bạo hành hoặc những xâm hại trên đấy để chúng ta biết cách xử lý và tránh” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.
PV / Vnmedia