5 công dân Trung Quốc vừa bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đứng sau một vụ gian lận quy mô lớn đối với “gã khổng lồ” công nghệ Apple. Theo ước tính của nhà “táo khuyết”, hãng đã bị thiệt hại ít nhất 12,3 triệu USD.
Theo truyền thông Mỹ, cả 5 bị cáo đều là người Trung Quốc đang sinh sống và lao động tại Mỹ. Hình thức lừa đảo mà nhóm bị cáo nghĩ ra là đem những mẫu iPhone giả vô giá trị vào các cửa hàng của Apple và nói với nhân viên các sản phẩm này bị lỗi không bật được nguồn, hay bị hư hỏng vật lý… và yêu cầu được thay thế bằng một sản phẩm mới.
Nhân viên Apple sẽ tiếp nhận các thiết bị “bị hỏng” này và đưa đến trung tâm sửa chữa, sau đó gửi lại một sản phẩm chính hãng đến các địa chỉ hòm thư mà các bị cáo đã thuê tại khắp California. Nhóm lừa đảo sẽ dùng các sản phẩm thật đem bán đi lấy tiền. Quá trình này được cho là đã lặp đi lặp lại đến tận 16.000 lần.
“Các bị cáo đã tìm cách đưa hơn 16.000 thiết bị giả vào các cửa hàng của Apple với mục đích đổi chúng lấy các thiết bị chính hãng và bán kiếm lời”, ông Tyler Hatcher, Cơ quan Điều tra Hình sự IRS cho biết.
Các thiết bị được nhóm đối tượng đem đến trao đổi lên đến hàng nghìn chiếc iPhone, iPad… Ước tính, phi vụ lừa đảo này đã lấy mất của nhà táo đến 12,3 triệu USD. Theo lời khai của các bị cáo, kế hoạch này bắt đầu từ tháng 12/2014 và trót lọt đến tháng 3 năm nay.
Nhóm lừa đảo đã phối hợp với một vài đồng phạm khác tại Trung Quốc để nhập về các thiết bị giả số lượng lớn. Đặc biệt, các sản phẩm giả đều sử dụng mã số máy của một sản phẩm thật và từng được bán tại Mỹ. Các mã này thuộc sở hữu của một cá nhân đã từng sử dụng dịch vụ và hoàn toàn hợp lệ tại trung tâm bảo hành AppleCare.
Bằng những thủ thuật tinh vi, các bị cáo đã làm giả hoàn toàn một sản phẩm Apple từ trong ra ngoài, như thể chúng là hàng chính hãng và được mua hợp pháp, đủ điều kiện để tham gia các chương trình bảo hành nhà Apple.
Ngay cả mã sản phẩm và số seri trên các thiết bị giả cũng được cho là được thiết kế để mạo danh các sản phẩm thật, hoặc bị đánh cắp từ chính người dùng iPhone. Những người dùng iPhone này đã vô tình bị tước đi quyền yêu cầu sữa chữa, bảo hành tại hãng.
Đến khi khách hàng chân chính có nhu cầu bảo hành sản phẩm, hệ thống của Apple sẽ ghi nhận chiếc máy đã từng được bảo hành, thay thế tại cửa hàng, khiến họ không được sử dụng lợi ích đáng lẽ phải được hưởng.
Để che giấu dấu vết phạm tội, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu sửa chữa, thay thế sản phẩm Apple tại rất nhiều cửa hàng bán lẻ trên khắp California. Đồng thời, các cá nhân kể trên sẽ sử dụng nhiều địa chỉ, bí danh giả nhằm bảo toàn danh tính thật.
Hiện, vụ án đang được đưa ra xét xử. Nếu bị kết tội, các bị cáo sẽ phải đối mặt với nhiều năm tù cho những tội danh bao gồm gian lận chuyển khoản, gian lận qua thư, trộm cắp danh tính, buôn bán hàng giả…
Theo Central District of California website
Quốc Anh / Vietnamfinance