Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, phương Tây phát động nhiều đợt trừng phạt nhằm vào nước Nga, Nga buộc phải chuyển hướng sang châu Á.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nga cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của Nga để vơ bèo vặt tép, cách làm này chẳng khác gì chờ nước đục thả câu.
Mới đây,VOA của Mỹ đã đăng tải bài viết với tên gọi Báo Nga coi chính sách tiếp cận Trung Quốc thất bại, Nga bị Trung Quốc đâm sau lưng. Bài viết đứng trên góc độ kinh tế chỉ ra rằng, Nga đang bị Trung Quốc lợi dụng trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây. Các ngân hàng đầu tư có nguồn vốn Trung Quốc tại Nga ngoài việc rắp tâm giành được quyền nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp và các dự án, còn ép các khách hàng Nga phải đóng tài khoản.
Báo chí Nga phân tích, Trung Quốc đang lợi dụng cảnh ngộ khốn đốn của nước Nga để kiếm lời, biến tướng tham gia vào các hoạt động trừng phạt Nga của phương Tây, chính sách tiếp cận Trung Quốc của Nga đã gặp thất bại. Thậm chí có nghị sĩ Duma quốc gia Nga chỉ trích hành vi đâm dao sau lưng và giậu đổ bìm leo của Trung Quốc.
Nga đã sai lầm khi chuyển hướng sang Trung Quốc?
Sau khi bị phương Tây trừng phạt, Nga càng muốn tiếp cận Trung Quốc nhiều hơn. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người dân Nga bắt đầu ý thức được rằng, không phải Trung Quốc có thể hoàn toàn thay thế được phương Tây như họ vẫn tưởng. Trung Quốc không thể mang lại cho nước Nga giá trị quan có ích, kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là nguồn vốn cho vay.
Ngày càng có nhiều người Nga cảm thấy thất vọng đối với việc tiếp cận Trung Quốc nhưng không nhận được nhiều lợi ích như dự đoán. Không ít người cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của Nga để kiếm lời cho bản thân họ. Mặc dù báo chí Nga không còn liên tiếp đăng tải các bài viết cảnh báo về mối đe dọa từ phía Trung Quốc như những năm trước đây, nhưng những ngôn luận thể hiện sự bất mãn đối với Bắc Kinh lại thường xuyên xuất hiện trong thời gian qua.
Mới đây, tạp chí quyền uy Kommersant – tuần báo uy tín nhất ở Nga đăng tải bài phân tích dài kỳ đánh giá mối quan hệ Nga – Trung thời gian qua. Tờ tạp chí có ảnh hưởng lớn này đã phỏng vấn nhiều chính khách, quan chức và thương nhân, đại đa số những người được phỏng vấn đều cho rằng, chính sách quay sang Trung Quốc của Nga đã gặp thất bại.
Bài viết phân tích, sau khi vấp phải các đợt trừng phạt của phương Tây, Nga mới chính thức chuyển hướng sang Trung Quốc. Trước đó mặc dù cũng nói là chuyển hướng sang phương Đông, tuy nhiên quan chức và giới thương nhân Nga phổ biến không tin tưởng Trung Quốc. Khi đó, việc tiếp cận Trung Quốc bị phía Nga lợi dụng và coi là công cụ gây sức ép cho đối tác châu Âu trong lĩnh vực báo giá năng lượng.
Tuần báo Kommersant nhấn mạnh, năm 2015, mối quan hệ chính trị hai nước đã có những bước tiến lớn. Hai bên ký kết các hiệp định, giúp chương trình “một vành đai, một con đường của Trung Quốc và dự án Liên minh kinh tế Á – Âu của Nga được gắn kết với nhau. Nhà lãnh đạo hai nước còn tham gia lễ duyệt binh tổ chức tại Quảng trường Đỏ ở Moscow và quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Trung Quốc còn ký kết hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Trung Quốc cũng đang giúp Nga xây dựng hệ thống dây cáp dưới đáy biển để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giải quyết bài toán thiếu điện cho bán đảo Krim. Tuy nhiên, mặc dù vậy, mối quan hệ hai nước vẫn bị các nhà quyết sách Nga đánh giá là thiếu sự bền vững.
Nga cảm thấy bị Trung Quốc kỳ thị, Trung Quốc tham vọng bành trướng
Tuần báo Kommersant còn chỉ ra rằng, rất nhiều quan chức Nga những tưởng rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ hạ lệnh cho các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc ký kết hợp đồng với Nga. Tuy nhiên phản ứng của Trung Quốc đối với việc Nga chuyển hướng sang phía Đông lại hết sức thận trọng và lạnh nhạt. Mặc dù giá dầu sụt giảm khiến nguồn tài sản của Nga bị mất giá, nhưng tổng kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào Nga năm 2015 chỉ chiếm 0,7% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại nước ngoài. Kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng giảm đi 1/3.
Và rất nhiều hành động của Trung Quốc đã thể hiện sự thiếu thiện chí nghiêm trọng đối với nước Nga. Trong các quốc gia xuất khẩu lương thực cho Trung Quốc, quốc gia duy nhất bị Bắc Kinh hạn chế là Nga, chỉ cho phép một số rất ít khu vực của Nga xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc, đồng thời còn đưa ra yêu cầu khắt khe về đóng gói. Điều này khiến nước Nga cảm thấy họ đang bị kỳ thị, hoạt động xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc biến thành công việc thua lỗ.
Không chỉ vậy, do hiện tại nước Nga không thể nhập khẩu linh kiện điện tử từ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của phương Tây, Trung Quốc đã thừa cơ đẩy giá các linh kiện này lên rất cao khi xuất khẩu sang Nga. Hoàn cảnh hiện tại của nước Nga càng bộc lộ rõ âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc.
Trong một số cuộc đàm phán thu mua doanh nghiệp và các dự án của Nga, khác với trước đây, Trung Quốc yêu cầu được nắm bắt trên 50% quyền cổ phần. Tuy nhiên hiện tại phía Nga chưa có ý định nhượng quyền nắm giữ cổ phần trên lãnh thổ của mình cho người Trung Quốc, điều này khiến cho rất nhiều hoạt động giao dịch giữa hai bên chưa thể thực hiện.
Thừa nước đục thả câu
Bài viết nhấn mạnh, Trung Quốc càng sợ việc phương Tây trừng phạt Nga sẽ liên lụy đến họ, làm tổn thất đến các lợi ích của Trung Quốc. Các ngân hàng có vốn đầu tư của Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Mỹ, thực tế là thừa gió bẻ măng, biến tướng tham gia vào các hoạt động trừng phạt nước Nga. Các ngân hàng có vốn đầu tư Trung Quốc không những tìm mọi cách không cho các doanh nghiệp Nga vay vốn, mà còn ép rất nhiều khách hàng Nga đóng tài khoản tại ngân hàng có vốn đầu tư Trung Quốc.
Một số hãng truyền thông chính thống của Trung Quốc đưa tin, các bản tin mà báo chí Nga đưa tin về việc các ngân hàng có vốn đầu tư Trung Quốc rút nguồn tiền khỏi Nga, quy mô nguồn vốn của các ngân hàng này tại Nga giảm mạnh không đúng với thực tế. Bản tin mà các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc tiết lộ, một số khách hàng Nga đã rút khoản tiền lớn gửi trong Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) trên đất Nga. Tuy nhiên các bản tin này không đề cập đến việc việc rút tiền có phải do các ngân hàng có vốn đầu tư Trung Quốc tại Nga gây sức ép hay không.
Nghị sĩ của Hạ viện Duma quốc gia Nga Dmitri G. Gudkov cho rằng, cách làm này của Trung Quốc hoàn toàn là thừa nước đục thả câu, điều này chẳng khác gì đâm sau lưng nước Nga. Ông Gudkov nhấn mạnh, điều khiến họ không thể nghĩ ra là, Trung Quốc cũng đang thừa cơ lợi dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây để gây sức ép cho Nga.
Quan hệ Trung – Nga nhiều bất cập
Chuyên gia chính trị Lilia Shevtsova của Nga nhấn mạnh, gần như tất cả các nhà phân tích độc lập của Nga đều cho rằng, các hiệp định về năng lượng mà Nga ký kết với Trung Quốc trong 1-2 năm gần đây đều khiến Nga chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, bản thân mối quan hệ Nga – Trung tồn tại nhiều bất cập bẩm sinh.
Bà Lilia Shevtsova cho biết: “Trong vòng 5-7 năm tới, chưa chắc nước Nga đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Do đó, mối quan hệ mật thiết giữa một quốc gia đang trên đà phát triển như Trung Quốc và quốc gia đang trên đà suy thoái như nước Nga không thể bình đẳng và tự nhiên. Một điều không thể tránh khỏi là giữa hai quốc gia này, chắc chắn sẽ có một bên cảm thấy tự ti, hiện tại đang được thể hiện ở chính bản thân nước Nga”.
Bà Lilia Shevtsova cũng phân tích rằng, mặc dù kết quả điều tra dân ý cho thấy hiện tại người dân Nga coi Trung Quốc là quốc gia hữu hảo nhất. Tuy nhiên đây đều là kết quả tuyên truyền của chính phủ. Nếu báo chí Nga thay đổi luận điệu, cái nhìn của người Nga đối với Trung Quốc sẽ thay đổi nhanh chóng.
Ông Sergey Sanakoev – Giám đốc Trung tâm hợp tác kinh tế thương mại Nga – Trung, người phụ trách rất nhiều nghiệp vụ trao đổi, hợp tác với Trung Quốc cho biết, Trung Quốc không thể tham gia một cách chính thức hoặc biến tướng các hoạt động trừng phạt đối với nước Nga. Ông Sergey Sanakoev chỉ ra rằng, vấn đề hiện nay không phải là Nga – Mỹ đối đầu, Trung Quốc cần chọn một phe để đứng về phía đó. Mà là Trung – Mỹ đối đầu căng thẳng. Tuy nhiên trong cuộc đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ, nước Nga sẽ không đóng một vai trò quan trọng.
Cùng với đó, mới đây, một quỹ đầu tư của Trung Quốc với vai trò là cổ đông lớn thứ năm đã bán gấp 5,2% cổ phần của Sở giao dịch chứng khoán Moscow với giá ưu đãi. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu tính bằng giá USD, người Trung Quốc bán cổ phần với giá lỗ. Nhưng nếu tính bằng đồng Rúp, người Trung Quốc đã lời to.
Huy Long
Theo Viettimes