Con trai đưa cô gái Việt về ra mắt, mẹ kỹ sư Bin ra sức phản đối nhưng bà đã thua.
Anh Hong Soo Bin (45 tuổi, kỹ sư xây dựng người Hàn Quốc) từng học ngành kiến trúc tại Nhật Bản và có nhiều năm làm việc tại đây. Năm 2007, sau nhiều biến cố, anh đến TP HCM lập nghiệp. Hồi đó, chị Trang (34 tuổi, quê Nam Định) đang là sinh viên năm ba khoa ngữ văn Nga Anh, trường Khoa học xã hội và Nhân Văn TP HCM. Họ gặp nhau tại cầu thang của thư viện trường.
Chị ấn tượng chàng người Hàn cao to, cái đầu trọc lóc, ngày nào cũng ngồi học bài ở cầu thang rất sớm. Có lần gần thi, chị đến thư viện học bài 8-9 giờ tối mới về cũng thấy anh ngồi đó, tay ôm cuốn sách chăm chú đọc nên đánh liều đến hỏi thăm. “Nghe tôi hỏi, có biết tiếng Việt không, mặt anh ấy đỏ bừng rồi trả lời vòng vòng bằng tiếng Hàn kết hợp tiếng Việt pha lẫn cả tiếng Anh. Tôi chỉ biết gật đầu chứ chẳng hiểu gì cả, dù thông thạo cả ba ngôn ngữ ấy”, chị kể.
Còn anh, thích cô gái Việt người thấp, mập mập nhưng lém lỉnh, thông minh từ lúc mới gặp mà chẳng dám thể hiện, đành vờ xin email của cô bạn chơi chung với nhóm chị. “Mấy ông người Hàn sang đây học, chỉ thích tán mấy cô xinh đẹp, tôi đã thấp còn mập thì chắc người ta hỏi thăm về cô bạn thật. Người ta đâu có xin email của mình”, chị nghĩ.
Chị Trang và bạn đời người Hàn Quốc. Ảnh: NV. |
Sang năm tư, chị đi thực tập ở Vũng Tàu một tuần, anh cũng đi theo. Nhìn người đàn ông ngoại quốc mặt bơ phờ vì lạc đường, chị muốn quan tâm nhưng sợ cô bạn nọ ghen. “Người ta đi xuống vì bạn gái, mình bạo dạn quá thì vô duyên lắm”, chị nói.
Tối hôm đó, anh mời chị đi ăn và được đồng ý. “Tôi giỏi tiếng Hàn, nghĩ người ta mời mình đi để làm cầu nối chứ không có ý gì nên vui vẻ nhận lời”, chị kể. Đến nơi, chị mới ngỡ ngàng, đó là buổi hẹn hò đầu tiên của hai người, được tổ chức trong nhà hàng bên bãi biển.
Ở đó, anh kể cho cô nghe rất nhiều chuyện về mình. Anh đến Việt Nam là muốn làm lại sau cú sốc chứng kiến người yêu ra đi do tai nạn giao thông và gặp tai nạn trong công việc. “Tôi đã tìm đến rượu, đánh nhau và ba lần tự tử không thành. Một lần bị người ta đánh thiếp đi, tỉnh lại thấy mẹ ngồi ở góc nhà khóc, mắt sưng húp, tôi thấy có lỗi và hứa sẽ làm lại từ đầu”, anh nói.
Đúng lúc đó, người anh trai có ý định phát triển kinh doanh ở Việt Nam nên nói Bin sang trước để nghiên cứu thị trường và học tiếng Việt… Sau buổi nói chuyện, chị bị thuyết phục bởi chàng trai ấy. Từ Vũng Tàu trở về, họ cùng nhau đi uống cà phê, đi xem phim, đi ăn, đến thư viện học bài và những đêm trò chuyện điện thoại hàng giờ không chán.
Vậy mà, đùng một cái, anh ngó lơ chị. Gặp nhau ở trường, thấy chị là anh quay đi. Chị chào anh cũng không nhìn, nhắn tin không trả lời, gọi không nghe. “Tôi bị sốc. Có lẽ, do tôi đồng ý đi xem phim và nắm tay nên người ta tưởng dễ dãi”, chị nghĩ.
Cố gắng níu kéo một tháng, chị cũng buông, không thèm quan tâm nữa. “Tôi đã gặp kẻ lừa đảo thì chẳng việc gì phải lưu luyến. Người ta lơ, tôi cũng làm được”. Nghĩ là làm. Đến trường, thấy anh đi đường này chị rẽ nơi khác. Gặp nhau ở thư viện, căntin hay bắt cứ đâu, anh gọi chị mặc kệ.
Sau hơn ba tháng, tưởng như cuộc tình của họ đã chấm dứt, anh ra sức níu kéo, xin lỗi và mong chị cho cơ hội. “Tôi thương lắm nhưng nhất định không thể dễ dãi được”, chị nói. Cho đến khi nghe anh trình bày, anh lơ người yêu là để dành thời gian suy nghĩ việc nên về nước hay ở lại, bởi người anh trai đã quyết định không sang Việt Nam đầu tư nữa. Không muốn chị phải đau buồn nên anh đã cố tình lạnh lùng, nhưng càng như vậy anh càng yêu và nhận thấy phải quyết tâm ở lại lập nghiệp để được ở bên bạn gái. Chị nghe mà không giấu được nước mắt.
Chị Trang bên chồng và 2 con. Ảnh: NV. |
Hơn một năm hẹn hò, họ dẫn nhau về ra mắt gia đình. Hồi đó, trong làng rộ lên thông tin không tốt về phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc làm bố mẹ chị rất quan tâm. Khi thấy con rể tương lai hơn con gái 11 tuổi, ông bà cho rằng, kiểu gì anh cũng đã có vợ nên kịch liệt phản đối. Chị ra sức bảo vệ người yêu, đưa cả giấy chứng nhận độc thân của anh để chứng minh vẫn không được chấp nhận nên đã bỏ nhà đi.
Ở Hàn Quốc, mẹ anh cũng một hai không chấp nhận cho con trai lấy phụ nữ Việt Nam. Theo bà, những cô gái này qua đây kết hôn không vì kinh tế cũng có mục đích. “Con ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định thì phải lấy người cho tử tế”, bà nói. Anh cãi lời mẹ, đưa bạn gái quay lại Việt Nam.
Cuối cùng, anh đã chinh phục được bố mẹ vợ bằng sự chân thật, hài hước. Còn chị, được nhà trai nể ở trình độ và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Năm 2009, anh đón gia đình sang Việt Nam tổ chức đám cưới, rồi định cư tại TP HCM.
Một năm sau, họ chào đón con trai đầu lòng. Năm tiếp theo là cô con gái. Đến nay, các bé đã 6-7 tuổi, đang đi học ở một trường quốc tế. Anh chị đã có công ty riêng chuyên về xây dựng. Hàng ngày, Bin đi lại giữa các công trình để giám sát, còn chị phụ chồng việc kinh doanh và đang học văn bằng luật để phát triển kinh tế gia đình.
Anh chị vẫn yêu nhau sau 8 năm dù cuộc sống có lúc sóng gió vì rào cản ngôn ngữ, văn hoá. Ảnh: NV. |
Hơn 8 năm qua, cũng có lúc hôn nhân của họ rơi xuống vực thẳm vì bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, và chỉ muốn buông để mỗi người một hướng, nhưng sau đó, cả hai đã nhận ra, tình yêu dành cho nhau quá lớn. Chị vẫn yêu anh chàng Hàn Quốc cao to, có cái đầu trọc lóc, gia trưởng nhưng luôn ga lăng với vợ, yêu thương các con hết mực.
Còn anh, luôn yêu chị, cô gái “thông minh, lém lỉnh, cá tính nhưng có sức chịu đựng phi thường và hy sinh cho chồng con” trong mắt anh. “Có lần cô ấy đòi ly hôn, tôi nói, em làm đi, anh sẽ chu cấp mỗi tháng 1.000 USD để nuôi con, vậy mà bị từ chối. Thế đó, tôi phải xuống nước thôi”, anh nói vui.
Phan Thân/VNE