Các lãnh đạo lâu năm của Zimbabwe, Ai Cập, Iraq hay Libya đã mất chức khi đối mặt với làn sóng biểu tình và sự can thiệp từ bên ngoài.
Robert Mugabe, 37 năm
Cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: AP. |
Robert Mugabe là tổng thống Zimbabwe từ năm 1980 cho đến khi phải rời ghế vào ngày 21/11. Vì những đóng góp cho phong trào đấu tranh giành độc lập, ông Mugabe từng được người dân tôn sùng như một anh hùng dân tộc. Trong những năm đầu lãnh đạo đất nước, ông Mugabe được ca ngợi vì nỗ lực mở rộng các dịch vụ xã hội, đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện và trường học cho người dân.
Tuy nhiên, chính sách thu giữ đất đai của chủ trang trại người da trắng để phân phát cho người da đen đã khiến kinh tế Zimbabwe trượt dài vào khủng hoảng. Nước này từng trải qua giai đoạn siêu lạm phát năm 2007 – 2009, với biểu hiện rõ nhất là việc Ngân hàng Trung ương liên tục phát hành tiền mệnh giá rất cao như 20 triệu hay 100 tỷ đô la Zimbabwe.
Gia đình của ông Mugabe cũng gây tranh cãi khi có lối sống xa hoa. Ông được đồn đoán có khối tài sản 1,3 tỷ USD, phần lớn là ở nước ngoài. Vợ con ông cũng bị truyền thông chú ý với thói quen mua sắm xa xỉ.
Ngày 6/11, ông sa thải phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, sau khi vợ ông cáo buộc ông Mnangagwa mưu phản. Động thái này được coi là nhằm dọn đường để vợ ông kế nhiệm. Tuy nhiên, quân đội sau đó can thiệp, quản thúc ông Mugabe tại gia. Đảng cầm quyền yêu cầu ông từ chức nếu không sẽ bị luận tội. Hàng nghìn người xuống đường biểu tình yêu cầu ông Mugabe từ bỏ quyền lực.
Sau một tuần bị quản thúc, ông Mugabe chấp nhận từ chức, chấm dứt 37 năm cầm quyền. Quyền lực được chuyển giao cho ông Mnangagwa.
Saddam Hussein, 24 năm
Cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ảnh: AP. |
Saddam Hussein là tổng thống Iraq trong 24 năm, từ năm 1979 đến năm 2003. Saddam Hussein được các nhà nghiên cứu đánh giá là một chính trị gia am hiểu sâu sắc tình hình, lịch sử và xã hội Iraq. Chiến lược giữ vững quyền lực của Hussein là đưa những người có quan hệ họ hàng hoặc cùng bộ tộc nắm vị trí quan trọng trong các cơ quan quân sự và an ninh Iraq.
Nhờ vào ngân sách thặng dư lớn về dầu hỏa, nhất là sau cuộc khủng hoảng dầu năm 1973, Saddam Hussein đã thực hiện nhiều cuộc cải cách xã hội Iraq thành công, nâng cao đời sống dân chúng, thiết lập nền giáo dục mọi cấp miễn phí và khuyến khích giáo dục phụ nữ, từng được UNESCO ca ngợi. Tuy nhiên, ông bị cáo buộc đàn áp và thanh trừng mạnh mẽ những người phản đối và đối thủ chính trị.
Saddam Hussein muốn Iraq có sức ảnh hưởng lớn, giữ vai trò lãnh đạo ở Trung Đông. Dưới thời của ông, Iraq đã tham gia vào các cuộc chiến như Chiến tranh Iraq – Iran (1980 – 1988) và Chiến tranh vùng Vịnh (1990 – 1991) – cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Mỹ lãnh đạo và được Liên Hợp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait. Iraq sau đó hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt. Quan hệ giữa Mỹ và Iraq hậu chiến tiếp tục căng thẳng.
Năm 2003, chính quyền của Saddam Hussein sụp đổ khi Mỹ và các đồng minh tấn công Iraq với cái cớ là Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và có liên quan đến al-Qaeda. Hussein mất chức vào tháng 4/2003, bị bắt vào tháng 12/2003. Cựu tổng thống kết tội “chống lại loài người” vì đã ra lệnh tử hình 148 người Shitte tại thị trấn Dujail phía bắc Iraq trong thập niên 1980. Ông bị tử hình bằng hình thức treo cổ vào năm 2006 ở Iraq.
Zine El Abidine Ben Ali, 24 năm
Cựu tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali. Ảnh: Reuters. |
Zine El Abidine Ben Ali là tổng thống Tunisia cầm quyền 24 năm, từ năm 1987 đến năm 2011. Ông có chính sách ngoại giao trung lập, vừa thân phương Tây vừa duy trì mối quan hệ tốt với thế giới Arab.
Tunisia dưới thời của ông thực hiện nhiều cải cách khiến kinh tế phát triển và thu hút nhiều đầu tư. GDP bình quân đầu người năm 2008 là 3.786 USD, tăng gấp ba lần so với năm 1986.
Tuy nhiên, Tunisia vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong giới trẻ. Nhiều người ở cả nông thôn và thành thị vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi đối mặt với thị trường thế giới. Các vấn đề này, cùng với nạn tham nhũng và việc hạn chế tự do ngôn luận, đã dẫn đến cuộc cách mạng Tunisia.
Các cuộc biểu tình rầm rộ được tổ chức từ tháng 12/2010 để yêu cầu ông từ chức. Ben Ali rời ghế vào tháng 1/2011 và đến sống lưu vong tại Arab Saudi. Chính phủ Tunisia sau đó phát lệnh bắt quốc tế, cáo buộc ông rút ruột công quỹ và mua bất động sản ở nước ngoài phi pháp. Tòa án Tunisia kết án vắng mặt ông Ben Ali cùng vợ 35 năm tù nhưng Arab Saudi từ chối dẫn độ hai người này.
Ali Abdullah Saleh, 22 năm
Cựu tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: AFP. |
Ali Abdullah Saleh là tổng thống Yemen từ năm 1990 đến năm 2012. Ông đã giữ chức Tổng thống Bắc Yemen năm 1978 – 1990, trước khi hai miền nam bắc của nước này thống nhất.
Ông Saleh từng ủng hộ Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh. Việc này gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Yemen. Arab Saudi và Kuwait đáp trả bằng cách trục xuất người lao động Yemen ra khỏi nước mình, khiến rất nhiều gia đình Yemen mất khoản kiều hối, theo Aljazeera.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9, Saleh cố gắng thể hiện mình là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Ông thăm chính thức Washington vào năm 2007 và gặp Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng. Ông cho phép các máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt các mục tiêu bị cáo buộc là al-Qaeda trên đất Yemen. Đổi lại, Yemen nhận được hàng chục triệu USD viện trợ.
Chính quyền của Saleh bị cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng. Mạng lưới quyền lực của ông bắt đầu thu hẹp khi dự trữ dầu của Yemen dần suy giảm. Đầu năm 2011, sau khi Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ, các đảng đối lập ở Yemen cố gắng làm điều tương tự với ông Saleh. Chính trị gia đối lập tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu ông từ chức. Sau nhiều nỗ lực trì hoãn, ông Saleh cuối cùng rời ghế vào tháng 2/2012.
Hosni Mubarak, 30 năm
Cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Ảnh: AFP. |
Hosni Mubarak là tổng thống Ai Cập trong 30 năm, từ năm 1981 đến năm 2011. Trong khi ông tại vị, kinh tế Ai Cập phát triển nhưng nạn tham nhũng trong bộ máy chính trị cũng hoành hành.
Những trung tâm giam giữ không có giấy tờ được thiết lập. Quan chức chính phủ được phép vi phạm quyền riêng tư của công dân bằng cách bắt giữ không điều kiện, theo luật khẩn cấp. Chính phủ lập luận rằng họ cần làm vậy để chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Tháng 1/2011, một cuộc biểu tình lớn kéo dài 18 ngày đã nổ ra ở trung tâm thủ đô Cairo đòi Mubarak phải rời ghế. Ông từ chức vào tháng 2/2011. Tháng 5/2015, ông bị kết tội tham nhũng và bị phạt ba năm tù.
Tháng 6/2012, ông bị kết án chung thân vì không ngăn chặn lực lượng an ninh sát hại người biểu tình trong cuộc nổi dậy, khiến hơn 800 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương. Tuy nhiên, năm 2013, tòa án chấp nhận đơn kháng cáo của ông và ra lệnh xét xử lại. Tháng 3/2017, ông được xử trắng án.
Muammar Gaddafi, 42 năm
Đại tá Gaddafi. Ảnh: AP. |
Muammar Gaddafi, hay thường gọi là Đại tá Gaddafi, là lãnh đạo Libya trong 42 năm, từ năm 1969 đến năm 2011.
Dưới thời Gaddafi, Libya cung cấp miễn phí giáo dục, y tế và trợ cấp nhà ở. Chính quyền còn thực hiện dự án hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới. Trong những năm đầu ông cầm quyền, mức sống người dân gia tăng, nhưng điều đó bắt đầu suy giảm vào những năm 1980, khi kinh tế đình trệ.
Đại tá Gaddafi đã nỗ lực xây dựng một đồng tiền chung châu Phi đảm bảo bằng vàng. Gaddafi muốn thiết kế và giao dịch chỉ bằng đồng đina vàng châu Phi – động thái có thể làm đảo lộn cả nền kinh tế thế giới.
Trong những năm 1970 và 1980, các cuộc xung đột biên giới của Libya với Ai Cập và Chad diễn ra, sự hỗ trợ cho các phiến quân nước ngoài và trách nhiệm trong vụ đánh bom máy bay Lockerbie năm 1988 đã khiến nước này ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Libya có quan hệ thù nghịch với Mỹ, Anh và Israel, dẫn đến vụ Mỹ không kích Libya năm 1986 và các lệnh trừng phạt kinh tế do Liên Hợp Quốc áp đặt.
Tháng 2/2011, vài tuần sau khi các cuộc biểu tình khiến tổng thống của Tunisia và Ai Cập từ chức, cuộc nổi dậy chống Gaddafi đã bùng lên. Gaddafi dùng quân đội để trấn áp cuộc nổi dậy và tuyên bố trên truyền hình rằng ông sẽ truy đuổi những người chống đối như những con chuột, khẳng định hành động của họ là hậu quả của việc dùng thuốc gây ảo giác. Việc này đẩy sự căm phẫn của những người chống đối lên cao hơn, khiến làn sóng nổi dậy biến thành nội chiến.
15 quốc gia phương Tây lập liên minh, đem không quân và hải quân tới thực thi khu vực cấm bay và phong tỏa hải quân, đồng thời không kích vào lực lượng của ông Gaddafi để hỗ trợ quân nổi dậy. Gaddafi bị chính thức lật đổ vào cuối tháng 8/2011 và bị giết vào ngày 20/10/2011, khi trên đường chạy trốn.
Suharto, 31 năm
Cựu tổng thống Indonesia Muhammad Suharto. Ảnh: Wiki. |
Muhammad Suharto là tổng thống thứ hai của Indonesia, cầm quyền trong 31 năm, từ năm 1967 đến năm 1998.
Ông Suharto thi hành chính sách “Trật tự Mới”, kiến thiết một chính phủ mạnh, tập trung và do quân đội chi phối. Về mặt đối ngoại, ông chủ trương củng cố quan hệ với các nước phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.
Trong hầu hết thời gian ông lãnh đạo, Indonesia trải qua tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa đáng kể, cải thiện y tế, giáo dục và sinh hoạt. Ông nhận được được sự ủng hộ mạnh mẽ trong những năm 1970 và 1980.
Tuy nhiên, đến thập niên 1990, nạn tham nhũng và các hành động mạnh tay của chính quyền với người phản đối đã gây ra nhiều bất mãn trong nhân dân.
Indonesia là quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ Khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998. Nhiều công ty bị phá sản và kinh tế giảm 13,7% khiến nạn thất nghiệp tăng mạnh. Khủng hoảng kinh tế đi kèm với gia tăng căng thẳng chính trị. Nhiều cuộc bạo loạn và xung đột sắc tộc xảy ra. Ông Suharto bị nhiều người cho là nguồn cơn của các khủng hoảng này.
Các chính trị gia đối lập kêu gọi ông từ chức. Hàng nghìn sinh viên xuống đường biểu tình phản đối ông Suharto. Tháng 5/1998, ông Suharto chấp nhận rời ghế.
Cựu tổng thống Indonesia sau đó bị cáo buộc biển thủ công quỹ nhưng không thể hầu tòa do vấn đề sức khỏe. Ông qua đời vào tháng 1/2008.
Porfirio Díaz, 31 năm
Cựu tổng thống Mexico José de la Cruz Porfirio Díaz Mori. Ảnh: tshaonline. |
Porfirio Díaz giữ chức tổng thống Mexico trong hai giai đoạn: 1876 – 1880 và 1884 – 1911, tổng cộng 31 năm.
Dưới thời của ông, Mexico đã đạt nhiều thành tựu lớn về kinh tế, khoa học, nghệ thuật nhưng bên cạnh đó có những vấn đề như khoảng cách giàu nghèo và sự đàn áp về chính trị. Các chính sách kinh tế của ông chủ yếu mang lại lợi ích cho các đồng minh và nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các chủ trang trại ở nông thôn lâm vào cảnh khó khăn.
Sau khi ông Díaz tuyên bố mình là người chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ 8 vào năm 1910, đối thủ trong cuộc tranh cử là Francisco I. Madero kêu gọi cuộc nổi dậy vũ trang chống lại ông Díaz, dẫn tới sự bùng nổ Cách mạng Mexico. Sau khi quân đội liên bang liên tiếp thất bại trước lực lượng của ông Madero, ông Díaz buộc phải từ chức vào tháng 5/1911 và sống lưu vong ở Pháp, nơi ông qua đời 4 năm sau đó.
Ferdinand Marco, 21 năm
Cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marco. Ảnh: amazonaws. |
Ferdinand Marco là tổng thống Philippines trong 21 năm, từ năm 1965 đến năm 1986. Kinh tế Philippines phát triển trong giai đoạn đầu ông giữ chức nhưng sau đó sa sút và lâm vào khủng hoảng nợ.
Ông đã áp đặt thiết quân luật từ năm 1972 đến năm 1981, theo đó, cải tổ lại hiến pháp, hạn chế truyền thông, sử dụng bạo lực với phe đối lập chính trị và dân thường. Bộ máy chính quyền dưới thời Macro cũng được cho là tham nhũng nghiêm trọng.
Năm 1986, do sự bất mãn của công chúng và dưới áp lực của các đồng minh nước ngoài, Marcos cho tổ chức bầu cử tổng thống sớm hơn một năm so với kế hoạch. Các cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử này và sự bạo lực của chính quyền đã khiến Cách mạng Quyền lực Nhân dân, loạt hành động thị uy của quần chúng tại Philippines, nổ ra vào tháng 2/1986. Ông Marcos phải rời Philippines để sang Hawaii sống lưu vong.
Phương Vũ/VNE