Nhiều người “thèm” cảm giác được bận rộn, được áp lực để đổi lại hoa hồng, thưởng Tết như các nhân viên ngân hàng.
So với thời hoàng kim 5-7 năm trước, mức lương bình quân các vị trí trong ngành ngân hàng đều giảm 15-20%, tuy nhiên so với các ngành nghề khác, thu nhập trong ngành ngân hàng vẫn luôn đứng ở “top” đầu thị trường lao động.
Thưởng tết năm nay, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, về sơ bộ, khối ngân hàng, dịch vụ tài chính có mức thưởng cao hơn các khối khác.
Nhiều người đã xuýt xoa, ghen tỵ về mức thưởng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mà nhiều ngân hàng đã treo thưởng. Cũng không ít người thắc mắc tại sao nhân viên ngân hàng được thưởng Tết nhiều đến thế?
Công việc yêu cầu cao
Tài chính ngân hàng, kiểm toán là một trong những môi trường tuyển dụng gắt gao nhất trong thị trường lao động. Đây là những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn thận và sự chính xác cao. Vì vậy, những người làm việc trong ngành này đòi hỏi có bằng cấp tốt, kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng làm việc, giao tiếp tốt, ngoại hình bắt mắt,… Chính yếu tố đầu vào cao như vậy nên chế độ lương, thưởng cũng đã khác so với mặt bằng chung.
Làm ngân hàng vẫn được ví vui là “nghề buôn tiền”, làm việc với tiền và các con số, rủi ro lớn nên lúc nào họ cũng phải tập trung cao độ, cẩn thận.
Hơn nữa, thời gian và cường độ làm việc luôn ở mức rất cao. Công việc không lúc nào ngơi nghỉ vì khách hàng nhiều. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, khối lượng giao dịch tăng đột biến, chuyện tăng ca là bình thường.
Từng nhớ, tại Đại hội cổ đông của ngân hàng PVcomBank năm 2014, một cổ đông đã không ngần ngại đối chất với lãnh đạo ngân hàng rằng, tại sao ngân hàng còn khó khăn, trong diện tái cấu trúc, cổ đông không có cổ tức nhưng thu nhập của lãnh đạo và nhân viên vẫn cao.
Khi đó, ông Nguyễn Đình Lâm, chủ tịch HĐQT PVcomBank cho biết, lương bình quân nhân viên ngân hàng là hơn 11 triệu đồng. “Đây là mối quan hệ con gà và quả trứng, chúng ta phải đầu tư cho nhân sự thì mới mong muốn được kết quả tốt. Đây là mức lương trung bình trong ngành ngân hàng vì họ đều làm việc trên 10h/ngày”.
Thực tế cho thấy, thời gian dành cho công việc của nhân viên ngân hàng là khá dài và căng thẳng. Một nhân viên nữ đang công tác tại ngân hàng V. chia sẻ với chúng tôi: “Ngày nào cũng làm quần quật từ 8h sáng tới 7h tối mới được về, có hôm 8h tối vẫn chưa được sếp “tha”. Bộ phận được về sớm nhất là các giao dịch viên cũng phải qua 6h tối mới tan làm. Nếu hôm nào đông khách, có nhiều chứng từ cần chốt hay bộ phận khác cần hỗ trợ thì 8h tối mới ra được khỏi cơ quan là chuyện thường tình”.
Đợt nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, trong khi nhiều người đã được nghỉ ngơi thì hầu hết các nhân viên ngân hàng đều phải tăng ca đêm. Anh Mạnh Q, nhân viên của Techcombank cho biết nhóm anh đã chuẩn bị sẵn lương thực và cả…chăn để đón năm mới ngay tại cơ quan.
Bộ phận kế toán của một ngân hàng khác cho biết các anh chị làm đến 20h rồi rủ nhau đi ăn và lại quay về cơ quan làm việc tiếp. Ngày mùng 1, có nhân viên phải ở lại trực quyết toán để xử lý các vấn đề phát sinh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Minh Hải – một cán bộ ngân hàng, liên tục lắc đầu khi trải lòng về cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh vào mỗi dịp cuối năm. Hai vợ chồng anh đều làm ngân hàng, anh làm tín dụng nên thời gian linh động hơn. Tuy nhiên cuối năm là thời điểm hết sức vất vả, anh vừa phải cho vay, vừa đôn đốc khách hàng trả nợ, không những thế anh thường xuyên phải gặp khách, liên hoan ăn uống để giữ mối. Còn vợ anh làm giao dịch viên tại một ngân hàng có quy mô lớn hơn, bộ phận của chị không phải mang việc về nhà nhưng thường xuyên về muộn, nhất là giáp Tết. Hơn nữa, làm việc tại các ngân hàng lớn, áp lực công việc càng vất vả.
Lương thưởng ngân hàng có thực sự cao?
Một nhân viên của ngân hàng có vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng cho biết, Tết Nguyên đán năm nay, chị được thông báo thưởng 2,5 tháng lương, tính ra cũng ngót nghét gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải số tiền thưởng này sẽ được nhận luôn một đợt mà sẽ nhận đủ sau tháng 4, tức là sau mùa “nhảy việc” để đảm bảo sự gắn bó của nhân viên.
Một nhân viên của Vietcombank thì cho biết, khi có thông tin nhân viên được thưởng đến 5 tháng lương, tính ra cả gần trăm triệu, bạn bè, người nhà ai cũng gọi chúc mừng, hỏi thăm. Nhưng thực tế, nhân viên chỗ chị chỉ được thưởng 1,5 tháng lương, nhân viên nào xuất sắc hơn thì được 2 tháng.
Một thực tế khác cũng cần nêu rõ, nhiều người giật mình khi nghe thấy thu nhập bình quân tại ngân hàng mà họ đang làm từ 18 đến 24 triệu trong khi họ hoàn thành chỉ tiêu mới được hơn 10 triệu.
Về bản chất, mức “thu nhập bình quân tháng” được báo chí nhắc đến chỉ thể hiện một phần mặt bằng lương các nhân viên theo số liệu của báo cáo tài chính ngân hàng đó cung cấp, tức là trung bình cộng lương sếp, lương cán bộ và lương nhân viên. Vì thế, mang tiếng là thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng nhưng không có nghĩa là nhân viên nào cũng hưởng trọn số tiền đó mỗi tháng.
Thống kê chung cho thấy, hầu hết các NHTM có mức thưởng Tết phổ biến từ 1 – 3 tháng lương; một số có thêm khoản 0,5-1 triệu/người từ quỹ công đoàn hoặc thưởng theo lương kinh doanh chi nhánh.
Còn mức thưởng của một sếp cấp phòng có thể gấp từ 2 -3 lần lương nhân viên; một sếp cấp chi nhánh gấp khoảng 4-5 lần. Còn ở những vị trí cao cấp như Ban tổng giám đốc, chênh lệch có thể lên tới vài chục lần.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, mức thu nhập của mỗi nhân viên ngân hàng hiện nay chưa phải là cao. So với các nước trong vùng, mức lương của Việt Nam thấp hơn khoảng 1,5 lần.
Nhìn vào con số thưởng Tết khiến nhiều người ghen tỵ nhưng cũng phải đồng tình rằng đằng sau đó là một chặng đường dài cống hiến, nỗ lực, họ nhận được mức thưởng xứng đáng với công sức lao động mệt mài trong năm qua.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, công việc nào cũng khó khăn, đối mặt với áp lực, chỉ tiêu. Họ thèm cảm giác được bận rộn, được áp lực để đổi lại hoa hồng, thưởng Tết như các nhân viên ngân hàng.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ