Malala Yousafzai, người giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2014 vừa nhận được thông báo trúng tuyển từ Lady Margaret Hall, trường thành viên của Đại học Oxford. Cô sẽ theo học chuyên ngành PPE (triết học, chính trị và kinh tế), theo The Guardian ngày 17/7.
Nữ sinh 20 tuổi chụp ảnh màn hình thư xác nhận và đăng trên Twitter với chú thích: “Vô cùng háo hức vào Oxford! Chúc mừng các bạn đã vượt qua kỳ thi A-level, năm khó nhất. Gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho cuộc sống phía trước!”.
Alan Rusbridger, hiệu trưởng của Lady Margaret Hall, đồng thời là cựu sinh viên của trường cũng gửi lời chào mừng đến cô gái tài năng trên Twitter.
Malala Yousafzai sẽ là tân sinh viên Đại học Oxford. Ảnh: Mirror |
Yousafzai đến từ thung lũng Swat ở phía tây bắc Pakistan, nơi phụ nữ bị cấm đến trường. Năm 2009, khi mới 11 tuổi, Yousafzai viết blog nặc danh cho BBC Urdu, kể về cuộc sống dưới chế độ Taliban.
Khi phiến quân Taliban bị buộc rút khỏi khu vực vào năm 2012, Yousafzai đẩy mạnh chiến dịch để giành quyền giáo dục cho phụ nữ. Sự kiên trì của cô gái khiến Taliban tổ chức cuộc họp và thống nhất sẽ giết cô. Vài tháng sau, khi đang trên đường từ trường trở về nhà, Yousafzai bị một tay súng Taliban bắn vào đầu và cổ. Cô hôn mê tám ngày, được điều trị ở Pakistan, sau đó chuyển đến bệnh viện Queen Elizabeth tại Birmingham ở Anh.
Đầu năm nay, Yousafzai tiết lộ cô đã tham gia phỏng vấn tuyển sinh vào Oxford, nơi ứng viên phải đạt ba điểm A trong kỳ thi A-level (chứng chỉ cơ bản để xét tuyển vào các trường đại học Anh) mới đủ điều kiện xét tuyển. Cô thi môn lịch sử, toán, nghiên cứu tôn giáo và địa lý.
“Đó là cuộc phỏng vấn khó nhất trong đời tôi. Tôi rất sợ hãi khi nghĩ về nó”, Yousafzai nói.
Cô sống cùng gia đình ở Birmingham từ đợt điều trị. Sứ giả hòa bình Liên Hợp Quốc từng nói muốn trở về Pakistan để làm chính trị gia. Tuy nhiên, một số người suy đoán cô sẽ tiếp tục nghiên cứu ở Mỹ.
Yousafzai sáng lập Quỹ Malala từ lúc đang học trường trung học nữ sinh Edgbaston ở Birmingham, viết “I am Malala” – một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Năm 2015, cô là chủ đề của phim tài liệu “He named me Malala”. Tạp chí Time năm 2013, 2014, 2015 đều tôn vinh Malala Yousafzai là một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới.