Nhóm luật sư đại diện cho các nạn nhận bị ốm hay qua đời trong khi làm việc tại công ty Samsung Electronics Co. cho biết công ty này cần tiến hành thủ tục bồi thường minh bạch hơn và thể hiện sự hối lỗi chân thành.
“Samsung thực hiện đơn phương và giữ kín các chính sách bồi thường”, Lim Ja-woon, luật sư về bảo vệ sức khỏe và nhân quyền của các công nhân bán dẫn nói. “Samsung cần trở lại đàm phán về việc xin lỗi và bồi thường”.
Yêu cầu trên đưa ra một ngày sau khi hãng này nhất trí áp dụng các biện pháp ngăn chặn tái phát các trường hợp mắc bạch cầu trong những cơ sở của mình. Đây được coi là động thái tiến gần hơn tới việc giải quyết cuộc tranh cãi đã kéo dài 8 năm.
Samsung và nhóm nạn nhân chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về bồi thường và hình thức xin lỗi – tâm điểm của cuộc tranh cãi kéo dài bấy lâu.
Samsung, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về chip bộ nhớ, điện thoại thông minh và tivi, đã tiến hành bồi thường cho các nạn nhân kể từ tháng 9. Số lượng người người nhận bồi thường tính tới cuối năm 2015 vào khoảng 100 người.
Tuy nhiên, luật sư đại diện các nạn nhân cho rằng, Samsung đã buộc các thân chủ của họ giữ kín điều khoản thỏa thuận, và thực tế các nạn nhân nhận bồi thường dưới mức chi phí y tế đã trang trải.
“Các nạn nhân thậm chí không được phép sao chụp hợp đồng”, Lim nhấn mạnh. “Samsung đặt ra giới hạn cho các nạn nhân”.
Liên quan tới cáo buộc này, Samsung cho biết, điều khoản bồi thường dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa ủy ban trọng tài của công ty và các nạn nhân. Việc hạn chế công bố giấy tờ thỏa thuận là vì lý do cá nhân.
Nhóm luật sư nói trên cho rằng, hơn 200 nhân viên ở các dây chuyền sản xuất chip và màn hình hiển thị của Samsung đang mắc các bệnh nghề nghiệp. Các trường hợp tử vong đã lên tới 76 người trong tháng này. Tuy nhiên, con số này chưa được chính thức xác nhận, dù nhóm luật sư cho rằng, thực tế còn cao hơn.
Samsung thì khẳng định, con số này là phóng đại, và nó bao gồm nhiều triệu chứng không nghiêm trọng như ung thư hay bạch cầu.
“Các chính sách bồi thường của Samsung là không thỏa đáng”, Hwang Sang-ki nói. Samsung chỉ gây hiểu lầm trước công chúng. “Một số nạn nhân từ chối bồi thường của hãng này vì nó không đủ giúp họ trang trải chi phí y tế”.
Hwang là cha của Yu-mi, từng là nhân viên trong nhà máy sản xuất chip của Samsung ở phía nam Seoul, người đã qua đời vì bạch cầu năm 2007. Cái chết của cô đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về trách nhiệm của Samsung Electronics với nhiều công nhân mắc bệnh ung thư hoặc bạch cầu.
Theo nhóm luật sư của các nạn nhân, Samsung Electronics còn thiếu chân thành trong cách xin lỗi khi họ không thừa nhận trách nhiệm. Samsung hiện từ chối xác nhận rằng, môi trường làm việc của họ liên quan trực tiếp đến sự bùng phát của ung thư hay bạch cầu.
Samsung Electronics Co. mới đây tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban độc lập để điều tra các nhà máy. Đây được coi động thái thể hiện sự nhượng bộ mới nhất của hãng sau khi có nhiều cáo buộc rằng, công nhân Samsung đã mắc các bệnh ung thư hiếm gặp và nhiều bệnh nghiêm trọng khác ở các nhà máy bán dẫn.
Các nạn nhân mắc bệnh bạch cầu, nhóm luật sư đại diện và Samsung đã nhất trí thành lập ủy nan nói trên để giám sám và thông báo các điều kiện làm việc. Vào tháng 7, Samsung đã thông báo thành lập quỹ 83 triệu USD để bồi thường cho các nạn nhân cũng như áp dụng những biện pháp ngăn chặn bệnh tật.
Thái An (Theo yonhapnews)
Theo Vietnamnet