Trước Tết 3-4 tuần, nhiều doanh nghiệp bán hàng Thái Lan tung ra hàng loạt chiêu khuyến mãi nhằm kích cầu, từ chiết khấu cao cho đại lý đến giảm giá một nửa sản phẩm…
Những năm gần đây, hàng Thái Lan ngày càng quen thuộc với người dân Việt Nam nhờ chất lượng đảm bảo hơn hàng Trung Quốc, trong khi giá cả, mẫu mã đa dạng hơn các mặt hàng của châu Âu, Mỹ hay các nước khác trong khu vực. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp nhập khẩu hay chính các ông chủ Thái thường tung ra các chiêu khuyến mãi, đặc biệt là thời điểm sát Tết Nguyên đán.
Trao đổi với VnExpress, Sariya Benjasonc – chủ một nhãn hàng túi xách cho biết sẵn sàng chiết khấu cho các đại lý Việt Nam 20% với đơn hàng trên 30 chiếc và có thể lớn hơn theo giá trị đơn hàng. “Để mở rộng và phát triển mạng lưới thị trường, chúng tôi đang có nhu cầu tìm đối tác phát triển kinh doanh làm đại lý. Việt Nam với dân số trẻ đông và nhu cầu mua sắm lớn trở thành điểm đến lý tưởng nên hãng sẵn sàng dành những mức chiết khấu hay chương trình khuyến mại hấp dẫn cho thị trường”, vị này nói.
Chung ý tưởng muốn tìm các cửa hàng đã và đang kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm làm đối tác nhân dịp đến Việt Nam tham dự hội chợ bán lẻ hàng Thái, ông Panaranch Phonpakdee – đại diện của hãng mỹ phẩm Panaran Herb cho biết sẽ giảm 15% nếu khách hàng mua từ 10 sản phẩm trở lên. Một công ty thời trang cũng báo giá chiết khấu 30% với đơn hàng 5 triệu và cứ 20 triệu tiếp theo sẽ được giảm thêm 2%.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng Thái Lan nhân dịp cuối năm cũng tung ra các chương trình khuyến mãi như giảm 50%, mua 2 tặng 1 để kích thích người tiêu dùng mua hàng hóa.
“Hàng Thái Lan bắt đầu thâm nhập mạnh vào thị trường cách đây 5 năm. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ trong nước, cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng gay gắt. Do đó, các doanh nghiệp Thái Lan đang đẩy mạnh chiến lược kích cầu thị trường nhằm duy trì thời kỳ đỉnh cao”, anh Huy, đại diện một công ty có trụ sở ở Cầu Giấy đã nhập khẩu hàng Thái Lan hơn 10 năm nay cho biết.
Dù hàng hóa của công ty hiện có mặt ở hầu khắp các cửa hàng mỹ phẩm, siêu thị trên thành phố, song anh Huy cho hay công ty vẫn phải liên tiếp xây dựng chiến lược tiếp thị, như việc 9 năm tham gia hội chợ hàng Thái để gia tăng hình ảnh. “Doanh số bán hàng từ hội chợ không quan trọng, chủ yếu là chúng tôi muốn quảng bá sản phẩm với khách hàng, từ đó có thể tìm kiếm thêm các đại lý mua hàng với số lượng lớn, lâu dài”, vị này cho biết.
Không chỉ mạnh ở mảng hàng tiêu dùng, Thái Lan cũng đang trỗi dậy ở mảng xuất khẩu rau quả, vượt qua cả Trung Quốc trở thành quán quân xuất khẩu rau quả vào Việt Nam. Theo tin từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 190 triệu USD rau quả từ nước này, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với mức 44 triệu USD nhập khẩu rau quả năm 2010, lượng rau quả nhập khẩu 11 tháng từ Thái Lan đã tăng tên 331%.
Tại một cửa hàng trên phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), trái cây Thái Lan chiếm hơn nửa sạp hàng với các chủng loại phổ biến như sầu riêng, mít, dưa hấu, măng cụt, me, bưởi, xoài, nhãn… Giá các loại quả này phổ biến ở mức 30.000-80.000 đồng một kg.
Bà Vân – chủ cửa hàng này cho biết do nhu cầu của người tiêu dùng nên cuối năm bà nhập chủ yếu các loại trái cây Thái Lan về bán, giảm số lượng nhập từ Trung Quốc. “Hoa quả Thái Lan rất được lòng người tiêu dùng vì họ tin rằng nó an toàn, không độc hại, một số chỉ ngang giá với hàng Trung Quốc”, bà Vân cho hay.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết rau quả ngoại đang chiếm khoảng 30% lượng hàng tại các siêu thị, trong đó các loại rau quả Thái Lan ngày càng lấy được niềm tin của người tiêu dùng do giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp.
“Rau quả, trái cây ngoại tràn lan các siêu thị cũng phản ánh đúng thực tế, người tiêu dùng họ thích rau quả ngoại, có cầu thì mới có cung được. Hội nhập hàng hoá mình muốn ra nước ngoài thì cũng phải mở cửa, không cớ gì lại hạn chế hàng ngoại. Đây là cuộc chơi công bằng cho các bên, doanh nghiệp Việt yếu thì phải chịu thua”, ông Phú cho biết.
Đại diện Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nhận định năm 2016 là năm kỷ nệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan, cũng là năm đánh dấu cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu hoạt động, do đó, nhiều doanh nghiệp Thái sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác các cơ hội xuất khẩu sang thị trường.
Doanh nghiệp, người nông dân trong nước không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, chủ động tìm kênh phân phối… để giữ vững và phát triển thị trường. Với rau quả ngoại ồ ạt vào Việt Nam, cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng của các lô hàng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Huyền Thư – Bạch Dương
Theo Vnexpress