Thị trường bán lẻ Việt trong năm nay có thể chứng kiến những thay đổi lớn về mặt cấu trúc trước những thay đổi về hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó sẽ có những kẻ được hưởng lợi và những người phải ngậm ngùi rời bỏ cuộc chơi.
Mới đây, tập đoàn Casino (Pháp) – đã công bố ý định tìm đối tác để nhượng lại hệ thống siêu thị mang thương hiệu Big C. Một bước đi nằm trong kế hoạch tái cấu trúc tài chính của tập đoàn cũng như thoái vốn khỏi các thị trường không hiệu quả.
Hãng tin Bloomberg dẫn đánh giá của các chuyên gia tài chính cho biết, nếu thương vụ bán tài sản tại Việt Nam thành công, Casino sẽ thu được 750 triệu euro, có thể giúp kế hoạch giảm 2 tỉ nợ euro trong 2016 được thực hiện trơn tru hơn.
Big C là một trong những thương hiệu bán lẻ nổi tiếng nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 90s. Tính đến nay, đây vẫn là chuỗi bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 32 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc.
Như vậy Big C là thương hiệu siêu thị nước ngoài thứ hai sau Metro (Đức) muốn rút lui khỏi Việt Nam. Năm ngoái, tưởng đâu tập đoàn BJC của Thái đã thâu tóm xong Metro nhưng đến nay thương vụ M&A trị giá 655 triệu Euro vẫn chưa được thực hiện bởi các cổ đông của BJC lo ngại hiệu quả đầu tư cùng áp lực tài chính cho thương vụ này. Từ các sự kiện của Metro, Big C, dường như hệ thống siêu thị truyền thống đang gặp những thách thức cạnh tranh khó khăn, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều các mô hình bán lẻ hiện đại khác tiếp tục xuất hiện tại Việt Nam.
Sau khi liên tiếp khai trương các trung tâm thương mại ở quận Tân phú (Tp.HCM), Bình Dương và Long Biên (Hà Nội), nhà bán lẻ của Nhật là AEON tiếp tục xây dựng một trung tâm thương mại mới tại quận Bình Tân (TP.HCM) trị giá 128,5 triệu USD.
Đó còn là việc mở rộng nhanh chóng của hệ thống trung tâm thương mại Lotte, SC Vivo City, Cresent Mall và nhất là hơn 20 trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup sẽ lần lượt đưa vào vận hành trong các năm tới (mới đây, trung thâm thương mại lớn nhất quận 2 là Vincom Megal Mall rộng 100.000m2 đã khánh thành). Có phải một sự bùng nổ trung tâm thương mại có quy mô khủng tại các đô thị lớn Việt nam đang bắt đầu?
“Hiện nay thì các trung tâm thương mại chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng đã có vài dấu hiệu, ví dụ như Vincom đang xây một lúc 20 trung tâm thương mại, điều này khiến tôi hình dung ra bức tranh về thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi đến như thế nào trong 5 năm tới. Bức tranh trong 10 năm nữa lại càng có nhiều khác biệt. Thật sự là tôi nhận thấy sự thay đổi, cải thiện chất lượng của các trung tâm thương mại đang diễn ra”, ông Theodore Knipfing – giám đốc dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield tại Châu Á Thái Bình Dương nhận định.
Khác với siêu thị, các trung tâm thương mại được xem là mô hình bán lẻ hiện đại hơn. Với diện tích rộng lớn hơn gấp nhiều lần và cung ứng nhiều dịch vụ tiện ích giải trí như phim ảnh, thể thao, trung tâm hội nghị,…các trung tâm thương mại này không những mang lại cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm đơn thuần mà còn cung cấp một không gian kết bạn, trò chuyện và giải trí đẳng cấp cho khách hàng. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy trước khuynh hướng ngày càng phổ biến hơn của kênh bán hàng trực tuyến thì các trung tâm thương mại vẫn có thể giữ được vai trò quan trọng của nó.
Bài học từ Singapore là một điển hình. Quốc gia phát triển này là nơi xuất hiện và đi đầu của những ý tưởng độc đáo về thương mại điện tử nhưng theo trang tin InvestAsia, hiện tại có tới 85% người Singapore vẫn ghé thăm các trung tâm thương mại ít nhất một lần một tháng, con số tương tự cho lĩnh vực thương mại điện tử chỉ là 49%. Điều này mang đến kết quả là hiện tại chỉ 4% các hộ gia đình ở Singapore mua sắm online.
Quay trở lại bài toán cạnh tranh của hệ thống siêu thị truyền thống. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khó tính. Điều này là do thu nhập ngày càng cao, trải nghiệm mua sắm từ các chuyên đi du lịch nước ngoài,…khiến họ ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng phục vụ. Rõ ràng, đặc trong bối cảnh mới, các siêu thị dường như đang thất thế khá rõ so với các trung tâm thương mại.
Nếu như kênh thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn chớm nở, thật sự chưa phải là đối thủ cạnh tranh thật sự thì ở phía thấp hơn, các siêu thị truyền thống đang gặp một đối thủ cạnh tranh linh hoạt hơn, nhỏ gọn hơn vốn đã nổi lên trong khoảng 3 năm trở lại đây như một xu thế bán lẻ hiện đại hoàn toàn mới – đó là hệ thống cửa hàng tiện lợi (convenience stores) với diện tích trung bình của mỗi cửa hàng chỉ khoảng 100 – 150 m2.
Với ưu điểm đó cùng mặt bằng đơn giản hơn khá nhiều, các cửa hàng tiện lợi có thể dễ dàng xuất hiện ở mọi ngõ ngách ở các thành phố lớn, cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống và các siêu thị. Tham gia vào phân khúc này có khá nhiều các thương hiệu nước ngoài như Circle K, Shop & Go, Family Mart, 7 Eleven, B’s mart hay hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vinmark + của tập đoàn Vingroup, Saigon Coop có chuỗi Coop Food. Thậm chí tập đoàn Casino cũng lấn sân sang phân khúc này với hệ thống Big Express.
Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, trong năm 2014, số lượng cửa hàng tiện ích đã tăng 34,4% so với năm 2013, đạt 348 cửa hàng trên toàn quốc với TP HCM có 326 cửa hàng, Hà Nội có 5 cửa hàng. Con số cửa hàng tiện lợi tính đến cuối 2015 có thể đã tăng hơn gấp đôi.
Mặc dù giá cả hàng hóa bày bán vẫn còn cao so với chợ hay siêu thị nhưng một khi hệ thống cửa hàng tiện lợi này phát triển đủ lớn, chi phí giá cả sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng.
“Hình thức cửa hàng tiện lợi đã và đang thành công tại các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc & các nước Đông Nam Á khác, do đó tôi nghĩ rằng hình thức này sẽ vẫn tồn tại, chỉ là vấn đề về thời gian khi nào họ thật sự bùng nổ mà thôi”, ông Theodore Knipfing nói.
Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsel Vietnam mang lại kết quả đáng chú ý, đó là có tới 22% người tham gia khảo sát thích mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi hơn là đến các trung tâm mua sắm lớn.
Phía trên là các trung tâm thương mại nguy nga, phía thấp hơn là các cửa hàng tiện lợi, chợ và kênh bán hàng trực tuyến linh hoạt và nhỏ gọn, dường như hệ thống siêu thị truyền thống đang phải đối mặt với bài toán cạnh tranh quá khốc liệt.
Nam Việt
Theo Người Đồng Hành