Một người lính Triều Tiên bị cho là có số phận long đong nhất trong Thế chiến II, khi bị ép đầu quân cho 3 cường quốc trong cuộc chiến 6 năm.
Trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai chứng kiến hơn 60 triệu người thiệt mạng, người đàn ông Triều Tiên Yang Kyoungjong có lẽ là người lính kém may mắn nhất còn sống sót, theo History.
Tháng 6/1944, lính dù Mỹ tham chiến ở Normandy bắt giữ một tù binh kỳ lạ. Anh ta rõ ràng đến từ Đông Á nhưng lại mặc quân phục của lính Đức. Tên anh là Yang Kyoungjong, một người gốc Triều Tiên, đã lưu lạc qua nhiều vùng đất khác nhau và bị ép trở thành binh sĩ của ba đội quân đối địch nhau.
Sau khi thôn tính bán đảo Triều Tiên năm 1910, đế quốc Nhật Bản tiếp tục xâm lược miền bắc Trung Quốc, lập ra nhà nước bù nhìn Mãn Châu, nơi Yang sinh sống. Năm 1938, Yang bị ép đi lính khi mới 18 tuổi, phục vụ trong quân đoàn Kwantung của quân đội phát xít Nhật.
Sau khi được huấn luyện cơ bản, Yang được điều động tham gia trận Khalkha Gol dọc biên giới Mãn Châu giữa quân đoàn Kwantung và liên minh quân đội Liên Xô – Mông Cổ.
Trong trận đánh này, Yang bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ và bị đưa đến một trại cải tạo lao động năm 1939. Đến năm 1942, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô. Cuộc chiến khốc liệt khiến Hồng quân Liên Xô hứng chịu tổn thất nặng nề về nhân lực, buộc họ phải huy động hàng nghìn tù binh tại các trại cải tạo biên chế vào các tiểu đoàn chiến đấu. Yang một lần nữa được nhập ngũ, lần này phục vụ cho quân đội Liên Xô, chiến đấu ở Đông Âu.
Yang phục vụ trong quân đội Liên Xô khoảng một năm. Trong thời gian này, anh tham gia nhiều trận chiến ở Mặt trận phía Đông, nơi anh một lần nữa trở thành tù binh chiến tranh.
Đầu năm 1943, Yang bị quân Đức bắt làm tù binh trong trận Kharkov ở Ukraine. Người Đức rõ ràng không biết anh là người Triều Tiên chiến đấu cho Liên Xô và nhốt anh cùng hàng trăm tù binh khác.
Một lần nữa số phận trớ trêu đẩy Yang đầu quân cho quân đội nước thứ ba khi lúc này quân Đức cũng cần bổ sung nhân lực và áp dụng chính sách không xử tử tù binh nếu họ “tình nguyện” phục vụ quân đội Đức sau khi bị bắt giữ.
Nhờ vậy, Yang được biên chế vào tiểu đoàn phía đông thuộc sư đoàn bộ binh số 709 của Đức, nơi có nhiều tiểu đoàn tù binh từ nhiều nước châu Âu, được phối thuộc vào các tiểu đoàn lớn hơn của lính Đức.
Sau đó, Yang được điều đến Pháp để bảo vệ Bức tường Đại Tây Dương khỏi bị quân Đồng minh tấn công. Yang đóng quân gần Utah Beach, một trong số các điểm đổ bộ trong trận Normandy.
Trong trận đổ bộ Normandy, quân Đồng minh đã tập đổ bộ thành công lên các bãi biển, đánh tan các cứ điểm phòng ngự của quân Đức. Yang là một trong số lính Đức bị trung đoàn bộ binh nhảy dù số 506 Mỹ bắt giữ.
Không thể giao tiếp với Yang vì anh ta không thể nói lưu loát tiếng Anh lẫn tiếng Đức, quân Mỹ đưa anh ta đến một trại tù binh khác ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sau khi trở thành cựu binh của ba quân đội tham chiến trong Thế chiến II, Yang quyết định không gia nhập thêm bất kỳ quân đội nào khác, theo Litverse.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, Yang quyết định không trở về quê nhà và di cư đến Mỹ, định cư ở bang Illinois cho đến khi qua đời năm 1992 mà không tiết lộ điều gì về quá khứ của mình.
Sử gia Antony Beevor gọi Yang là “minh họa nổi bật nhất cho sự bất lực của những người dân bình thường khi phải đối mặt với các thế lực áp đảo trong lịch sử”.
“Trong một trận chiến có quá nhiều người chết, Yang đã may mắn sống sót nhưng thật khó có thể dùng từ may mắn để mô tả về một người từng khoác lên mình bộ quân phục của đế quốc Nhật Bản, Liên Xô và phát xít Đức trong 6 năm chiến đấu”, Beevor nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo Vnexpress