Cổ phiếu Tesla lao dốc gần 7% trong phiên giao dịch ngày 8/7, khiến vốn hóa thị trường của hãng xe điện hàng đầu nước Mỹ bốc hơi hơn 68 tỷ USD. Nguyên nhân được cho là đến từ tuyên bố gây tranh cãi của CEO Elon Musk về việc thành lập một đảng chính trị mới có tên đảng “Nước Mỹ”.
Trên nền tảng mạng xã hội X, tỷ phú công nghệ cho biết đảng mới sẽ tập trung tranh cử vào “chỉ 2 hoặc 3 ghế Thượng viện và khoảng 8 đến 10 ghế Hạ viện”.
Theo CEO Tesla, đây là số lượng đủ để nắm giữ vị thế quyết định trong việc thông qua các đạo luật gây tranh cãi, “nhằm đảm bảo rằng luật pháp phản ánh đúng ý chí thực sự của người dân”.
Sau tuyên bố trên, cổ phiếu của Tesla đã giảm sâu gần 7% trong phiên giao dịch ngày 7/7, tương đương mức sụt hơn 6,8%, khiến vốn hóa thị trường của hãng mất khoảng 68 tỷ USD chỉ trong một ngày. Có lúc cổ phiếu còn rơi tới 8,4%, chốt phiên ở mức 293,94 USD/cổ phiếu.
Theo dữ liệu từ Reuters, nếu đà giảm tiếp tục, Tesla còn đối diện với khả năng mất hơn 80 tỷ USD vốn hóa. Trong năm 2025, giá cổ phiếu của hãng đã giảm khoảng 35%, trở thành cổ phiếu tụt giảm nhiều nhất trong nhóm “Magnificent Seven”, 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất nước Mỹ .

Tuyên bố này nhanh chóng làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư của Tesla, những người đã nhiều lần bày tỏ bất mãn khi vị CEO dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động bên ngoài công ty. Tham vọng chính trị mới bị coi là yếu tố gây phân tâm không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Tesla đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt và kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.
“Việc Elon Musk lấn sâu hơn vào chính trường, đối đầu với giới chính trị ở Washington, hoàn toàn đi ngược với mong muốn của cổ đông Tesla trong thời điểm then chốt này”, ông Dan Ives, giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại Wedbush Securities nhận định.
Theo ông Ives, mặc dù tỷ phú Musk vẫn nhận được sự ủng hộ từ bộ phận người theo dõi trung thành, ngày càng nhiều nhà đầu tư của Tesla tỏ ra mệt mỏi trước việc ông tiếp tục can dự vào chính trị.
Trước đó, vào đầu năm 2025, Elon Musk từng đóng vai trò chủ chốt trong tổ chức “Department of Government Efficiency” (DOGE) và cộng tác chặt chẽ với Tổng thống Donald Trump.
Việc ông rút lui khỏi tổ chức này hồi tháng 5/2025 từng giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện phần nào và cổ phiếu Tesla có thời gian phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, với tuyên bố mới nhất, Musk lại một lần nữa gây áp lực lên giá cổ phiếu và tương lai tài chính của công ty.

Bên cạnh các rủi ro đến từ phát ngôn và hoạt động chính trị, Tesla hiện cũng đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Trong quý II/2025, lượng xe bàn giao của hãng giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Công ty cũng đang mất thị phần tại các thị trường chiến lược như Trung Quốc, khi các đối thủ nội địa liên tục tung ra những mẫu xe điện có tính cạnh tranh cao hơn cả về giá thành lẫn công nghệ.
Ngay cả Tổng thống Donald Trump, đồng minh chính trị cũ của ông Musk cũng không ủng hộ bước đi chính trị mới của vị tỷ phú này. Phát biểu sau tuyên bố về kế hoạch lập đảng mới của Elon Musk, ông Trump gọi kế hoạch thành lập đảng “Nước Mỹ” là “nực cười” và cho rằng vị tỷ phú đang “hoàn toàn mất kiểm soát”.
Trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu bước vào giai đoạn điều chỉnh, giới đầu tư kỳ vọng Tesla sẽ tái cấu trúc chiến lược sản phẩm, cắt giảm chi phí và tập trung đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, những động thái cá nhân và chính trị từ vị CEO nổi tiếng lại đang khiến tương lai của Tesla trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.