Tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ do Vingroup đề xuất có tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD).
UBND TP. HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, UBND quận 7, huyện Nhà Bè và Tập đoàn Vingroup về việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị TP. HCM – Cần Giờ.
Không ràng buộc điều kiện chỉ định Vingroup là nhà đầu tư
Theo đó, UBND TP. HCM chấp thuận việc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt đô thị kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Theo đó, Tập đoàn Vingroup chịu trách nhiệm tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách thành phố. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận thì nhà đầu tư chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.

UBND TP. HCM yêu cầu Vingroup hoàn thành hồ sơ đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền trong vòng 12 tháng. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quá thời hạn 12 tháng mà chưa hoàn thành thì hết hiệu lực thực hiện.
Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, thẩm định của các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt đô thị TP. HCM – Cần Giờ.
Theo UBND TP. HCM, việc chấp thuận nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án không ràng buộc điều kiện chỉ định Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư thực hiện dự án. Sau khi hoàn thành thủ tục về chủ trương đầu tư, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, TP. HCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
UBND TP. HCM giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở chuyên môn, các đơn vị và địa phương liên quan, kết hợp tham khảo, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt để hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án. Từ đó, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, nội dung, thành phần theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sở Tài chính tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án sau khi nhà đầu tư hoàn thành; tham mưu, đề xuất UBND TP. HCM về trình tự, thủ tục tổ chức thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành; đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của dự án tuyến đường sắt đô thị TP. HCM – Cần Giờ.
Trường hợp dự án được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tham mưu, đề xuất UBND TP. HCM chỉ đạo thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
UBND TP. HCM cũng giao các sở chuyên môn về giao thông, xây dựng, nông nghiệp và môi trường, các đơn vị và địa phương liên quan hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, nội dung, thành phần theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Đề xuất của Vingroup được ủng hộ
Trước đó, nhiều cơ quan ban ngành của TP. HCM cũng đã có văn bản ý kiến về đề xuất của Vingroup.
Cụ thể, Sở Giao thông công chánh TP. HCM đánh giá đề xuất của Vingroup có cơ sở xem xét. Dự án phù hợp với quy định Luật Đầu tư theo phương thức PPP, đồng thời phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng như các quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở Giao thông công chánh TP.HCM cũng cho biết qua rà soát, thành phố chưa giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ. Do đó, đề xuất của Vingroup không trùng lặp với loại dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án.
Về phía Sở Xây dựng TP. HCM, cơ quan này cũng cơ bản ủng hộ đề xuất nghiên cứu dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, Sở Xây dựng đề nghị cần làm rõ hướng tiếp cận đầu tư dự án, đặc biệt là định hướng phát triển hành lang đô thị với giao thông công cộng (TOD), gắn kết hệ sinh thái kinh tế dịch vụ của thành phố với chiến lược phát triển kinh tế biển, kinh tế xanh của thành phố và vùng thành phố.
Đối với Sở Tài chính, cơ quan này đánh giá dự án đủ cơ sở pháp lý, cần thiết đầu tư, phù hợp quy hoạch và có thể xem xét về mặt chủ trương.
Mặc dù vậy, Sở Tài chính TP. HCM lưu ý hiện chưa có quy hoạch cụ thể về tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ mà chỉ có quy hoạch tuyến đường sắt đô thị Tuyến số 12 (có tiềm năng kết nối với Cần Giờ).
Để bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý về quy hoạch, trong trường hợp UBND TP. HCM giao cho nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất dự án, Sở Tài chính kiến nghị đồng thời giao Sở Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh đồ án quy hoạch chung TP. HCM và đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ để làm cơ sở xem xét, đánh giá ở bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Đặc biệt, Sở Tài chính TP. HCM cho rằng việc Vingroup thực hiện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tự có và vốn huy động theo quy định của pháp luật, sở hữu và khai thác, vận hành dự án sau khi hoàn thành là loại hình đầu tư có nhiều lợi thế so với đầu tư công truyền thống.
Theo đề xuất của Vingroup, dự án có điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Tân Phú, quận 7); điểm cuối tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD).
Dự án thiết kế loại đường đôi, khổ 1.435 mm mỗi đường, đi trên cao với tổng chiều dài khoảng 48,5km. Trên tuyến dự kiến có một depot được xây dựng ở quận 7 và một depot khác tại xã Long Hòa, Cần Giờ. Khi hoàn thành, tuyến metro có khả năng chuyên chở 30.000-40.000 người mỗi giờ trên mỗi hướng.
Vingroup đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Doanh nghiệp cho biết sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn (dự kiến 4 tỷ USD) để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Dự án dự kiến khởi động từ năm 2025 với giai đoạn chuẩn bị, bao gồm: lập và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền để đưa vào quy hoạch phát triển đường sắt đô thị, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Từ năm 2026 đến 2027, dự án sẽ bước vào giai đoạn thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Đến năm 2028, tuyến metro này sẽ được vận hành thử nghiệm trước khi chính thức bàn giao và đưa vào khai thác.
Chí Bình / Vietnamfinance.vn