TP. HCM dự kiến bố trí gần 12.000 tỷ đồng tham gia làm đường Vành đai 4 trong 2 giai đoạn đến năm 2030.
Tổng mức đầu tư trên 120.000 tỷ đồng
UBND TP. HCM đã ban hành Tờ trình số 2332/TTr-UBND trình Hội đồng Nhân dân TP. HCM về việc triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM.
Theo tờ trình, để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TP. HCM trình HĐND TP. HCM xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM; Thống nhất chủ trương bố trí nguồn vốn thực hiện dự án (bao gồm cho phần phát sinh vốn ngân sách thành phố phải bố trí tăng thêm trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của Dự án) phù hợp với tiến độ Chính phủ trình Quốc hội.

Theo UBND TP. HCM, dự án có điểm đầu tuyến tại lý trình khoảng Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. HCM.
Tuyến đường dài khoảng 159,31km, đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (18,23km); Đồng Nai (46,08km); Bình Dương (47,95km); TP. HCM (16,7km); Long An (78,3km). Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 122.774,28 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị 57.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng 7.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 12.000 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 40.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư nêu trên không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Có các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn Trung ương 31.033,24 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 38.000 tỷ đồng và nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) 53.000 tỷ đồng.
Để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TP. HCM trình HĐND TP. HCM xem xét ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương việc triển khai dự án đường Vành đai 4 TP. HCM; chủ trương đảm bảo cân đối gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách để tham gia thực hiện dự án.
Đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt
Dự án cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt với kỳ vọng triển khai nhanh hơn đường Vành đai 3 TP. HCM.
Trong giai đoạn 1, các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn, có làn khẩn cấp, đường gom, đường song hành qua khu dân cư.
UBND TP. HCM đánh giá, việc triển khai đầu tư dự án Vành đai 4 TP. HCM theo phương thức đối tác công tư là cần thiết để giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công.
Dự án cũng sẽ thu hút hơn 50.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Qua đó, giảm đáng kể nguồn vốn ngân sách cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.
Về tiến độ, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương sẽ triển khai các thủ tục tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2026 và khởi công trong năm này. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2029.
Liên quan đến dự án, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu TP. HCM, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đảm bảo tiến độ gửi hồ sơ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TP. HCM.
Vành đai 4 TP. HCM khi hoàn thành sẽ góp phần mở không gian cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), khu đô thị tây bắc (Củ Chi, TP. HCM), khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và các thành phố ở Bình Dương…
Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội tại các huyện nông thôn như Củ Chi, Nhà Bè (TP.HCM), Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), cũng như nhiều địa phương khác thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương.
Trần Lê / Vietnamfinance.vn