Thị trường chứng khoán phiên 9/4 lao dốc mạnh khi VN-Index mất gần 40 điểm, chính thức xuyên thủng mốc 1.100 điểm quan trọng. Dù sắc đỏ bao trùm, điểm sáng hiếm hoi đến từ dòng tiền khối ngoại quay lại mua ròng sau chuỗi ngày bán ròng.
Kết phiên 9/4, chỉ số VN-Index giảm 38,49 điểm, tương đương 3,4%, dừng ở mức 1.094,3 điểm – đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.100 điểm sau khi giằng co trong phiên sáng. Áp lực bán mạnh ngay đầu phiên chiều đã nhanh chóng đẩy VN-Index xuyên thủng mốc 1.100 điểm.
Mặc dù lực cầu bắt đáy nỗ lực kéo chỉ số hồi phục, đưa VN-Index trở lại vùng 1.121 điểm vào lúc 13h40, xu hướng điều chỉnh tiêu cực tiếp tục chi phối trong nửa cuối phiên khiến chỉ số quay đầu giảm trở lại. VN-Index kết phiên tại vùng giá thấp nhất trong ngày, cho thấy lực cung chiếm ưu thế rõ rệt.
Tại các sàn niêm yết khác, xu hướng giảm cũng hiện diện rõ nét. HNX-Index giảm 8,47 điểm về 192,58 điểm, trong khi UPCoM-Index mất 0,09 điểm, còn 84,41 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 351 mã giảm giá, trong đó có 148 mã giảm sàn. Ở chiều ngược lại, chỉ 133 mã tăng giá, với 6 mã tăng trần.

Rổ VN30 chịu áp lực bán mạnh, giảm 28,83 điểm xuống 1.168,68 điểm. Dù vẫn giữ được trên mốc 1.100 điểm, sắc đỏ chiếm áp đảo. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ vẫn giữ được đà tăng và đóng vai trò nâng đỡ chỉ số.
Trong đó, SAB là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm VN30, với mức tăng 3,52%, vượt qua 3 cổ phiếu họ nhà Vin là VIC (+3,45%), VHM (+3,19%) và VRE (+2,86%).
Ngoài 4 mã giữ sắc xanh từ phiên sáng, phiên chiều còn ghi nhận thêm một số cổ phiếu đảo chiều thành công như SSB tăng 1,58% lên 19.300 đồng, LPB tăng 0,96% lên 31.500 đồng và FPT tăng nhẹ 0,19% lên 105.300 đồng.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận diễn biến tiêu cực, đặc biệt là VCB khi giảm tới 5,91%, trở thành mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 như BCM, GAS, GVR, HPG, MSN… đồng loạt giảm sàn, tạo áp lực lớn lên chỉ số chung.
Tình trạng giảm sâu cũng ghi nhận ở các nhóm ngành nhạy cảm với thị trường. Nhóm tài chính ngân hàng có nhiều mã giảm sàn như SSI, VND, EIB, VIX, HCM, CTS, BVH, EVF, VCI, FTS,… Nhóm bất động sản ngoài 3 trụ đỡ VIC-VHM-VRE thì còn nhiều cổ phiếu bị phủ sắc xanh lơ, như DXG, BCM, KBC, HPG, PDR, CEO,…
Trong nhóm thép, ngoài ba mã TNI, HMC và VCA ghi nhận mức giảm nhẹ, các mã còn lại phần lớn rơi vào trạng thái giảm sàn, phản ánh tâm lý tiêu cực bao trùm toàn ngành.
Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 32.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với phiên liền trước. Khối lượng khớp lệnh toàn thị trường đạt trên 1,6 tỷ cổ phiếu – cho thấy lực bán chủ động chiếm ưu thế nhưng cũng xuất hiện dòng tiền bắt đáy.
Điểm sáng đáng chú ý trong phiên đến từ hoạt động giao dịch của khối ngoại. Sau hơn 3 tuần bán ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng với giá trị hơn 304 tỷ đồng. Đây là một trong những phiên mua ròng tích cực hiếm hoi kể từ giữa tháng 3.

Trong đó, MWG, FPT và TCB là 3 cổ phiếu được khối ngoại giải ngân mạnh nhất, lần lượt với giá trị mua ròng 390,2 tỷ đồng, 249,8 tỷ đồng và 144,7 tỷ đồng. Các mã khác thu hút dòng tiền ngoại gồm GEX (89,3 tỷ đồng), SSI (84,1 tỷ đồng), VIC (66,9 tỷ đồng), DXG (53,4 tỷ đồng), VCI (51,9 tỷ đồng), PAN (42,5 tỷ đồng), HVN (32,5 tỷ đồng)…
Ngược lại, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh VCB với giá trị lên tới 250,4 tỷ đồng, góp phần đẩy giá cổ phiếu này giảm sâu trong phiên. Một số mã khác cũng bị bán ròng đáng kể gồm MBB (-242,5 tỷ đồng), MSN (-133,5 tỷ đồng), VHM (-124,4 tỷ đồng), STB (-99,6 tỷ đồng), VNM (-71,2 tỷ đồng), HDB (-51 tỷ đồng)…
Khánh Tú / Vietnamfinance.vn