Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, VN-Index có thể chỉ mất khoảng 3 tháng để vượt qua mốc 1.300 điểm và chạm ngưỡng 1.400 điểm trong giai đoạn cuối năm 2025, đầu năm 2026.
Tích luỹ trước “con sóng” nâng hạng
Các chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù chỉ số chính VN-Index tiếp tục ghi nhận mức tăng 12%, năm 2024 không được coi là năm thành công đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán.
Chia sẻ tại Hội thảo VPBankS Talk #4 với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió”, ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS), đây là một năm “không hề dễ dàng” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng hơn 3,1 tỷ USD, cao nhất trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index dao động ở một biên độ hẹp từ 1.200 đến 1.300 điểm, gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư. Chưa kể, thị trường chứng khoán còn bị cạnh tranh bởi nhiều kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, tiền số và chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề địa chính trị, nhất là sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc của Donald Trump.
Ông Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) bình luận: “VN-Index phản ánh rất đúng tình trạng kinh tế Việt Nam. Chúng ta có những sự cải thiện nhất định về mặt ngoài, nhưng chưa thực sự bứt phá”.
Phân tích rõ hơn, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank cho hay, trong chu kỳ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở giai đoạn “phản ứng”: đang phục hồi dần từ đáy và đối mặt với các “bẫy giảm giá”.
“Thị trường có thể gặp những nhịp rung lắc trong năm 2024 và tiếp diễn trong đầu năm 2025. Đây là giai đoạn tích luỹ mang tính lịch sử. Trong quá khứ, thị trường từng chứng khiến những giai đoạn tích luỹ chặt chẽ, chẳng hạn như giai đoạn 2004-2005 trước “con sóng” WTO (diễn ra năm 2006-2007), giai đoạn 2014-2016 trước “con sóng” thoái vốn Nhà nước (diễn ra năm 2016-2017). Tương tự, thị trường ở vùng tích luỹ mới 2023-2024, chờ “con sóng” lớn thứ ba, con sóng nâng hạng thị trường vào nửa cuối 2025”, ông Sơn nói.
Thực tế, thời gian qua, dù chịu nhiều yếu tố nhiễu động như tỷ giá và xu hướng rút ròng của khối ngoại, thị trường chứng khoán vẫn rất vững vàng xây nền dao động quanh vùng 1.200-1.300 điểm, chờ thời điểm bứt phá. Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có xu hướng nghịch pha với chính sách tiền tệ và chu kỳ nới lỏng chính sách tiếp tục hỗ trợ thị trường có nhịp tăng tích cực. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng tiền tiếp tục tham gia vào thị trường.
Chưa kể, định giá thị trường Việt Nam cũng tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và thị trường mới nổi. P/E của chỉ số VN-Index đang ở mức gần 14,9 lần, thấp hơn trung vị 10 năm gần đây.
“Chúng ta đang chuẩn bị cho con sóng lớn, dòng tiền sẽ trở lại thị trường với dự báo lợi nhuận 2025 sẽ tiếp tục phục hồi, mức định giá hợp lý”, Giám đốc chiến lược VPBankS cho biết.
VN-Index có thể lên 1.400 điểm vào nửa cuối 2025
Theo ông Trần Hoàng Sơn, thanh khoản thị trường cuối 2024-2025 đi ngang trên nền trung bình và thấp với những lo ngại về khối ngoại bán ròng và tỷ giá. Tuy nhiên, thanh khoản sẽ tăng cao vào giai đoạn từ tháng 8/2025 với kỳ vọng nâng hạng kích hoạt dòng tiền trở lại thị trường.
“Năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam có bước ngoặt rất quan trọng về câu chuyện nâng hạng, qua đó hút được dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài và kích hoạt dòng tiền nội. Thị trường chứng khoán có thể nhiễu động vào nửa đầu năm, song nửa cuối năm sẽ có bước thăng hoa trong nửa cuối năm”, ông Sơn cho biết, đồng thời dự báo thanh khoản năm tới sẽ đạt trên 23.000 tỷ đồng và VN-Index có thể đạt trên 1.400 điểm trong năm 2025.
Theo thống kê từ Bloomberg, hầu hết các thị trường đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về dòng vốn nước ngoài khi chính thức được nâng hạng, bất kể theo tiêu chí đánh giá của FTSE hay MSCI. Số liệu thống kê cho thấy dòng vốn thường tăng gấp 5-7 lần so với bình quân giai đoạn trước khi được nâng hạng.
Trong tầm nhìn trung hạn, với việc tỷ giá vẫn neo cao, áp lực bán ròng khối ngoại vẫn diễn ra mạnh mẽ và những chính sách thuế mới của ông Trump trong nửa đầu 2025, chuyên gia cho rằng cuối năm nay và đầu năm sau VN-Index vẫn sẽ tiếp tục lình xình và chưa thể vượt 1.300 điểm.
Cũng theo ông Sơn, “vùng trũng” có thể rơi vào tháng 5/2025 và tạo điều kiện cho nhà đầu tư trung và dài hạn giải ngân mạnh mẽ để chốt lời vào thời điểm cuối năm khi kịch bản nâng hạng được kích hoạt giúp thanh khoản gia tăng mạnh mẽ.
“Giai đoạn “tăng tốc” và vượt mốc 1.300 điểm có thể diễn ra rất nhanh, chỉ trong khoảng 3 tháng với thanh khoản được cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index có thể chạm ngưỡng 1.400 điểm trong giai đoạn cuối năm 2025, đầu năm 2026.”, ông Sơn cho hay.
Theo Bích Hợp / Vietnamfinance.vn