Phiên đầu tuần mới, thị trường cho thấy nỗ lực cân bằng ở ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.270 điểm nhờ lực cầu chủ yếu ở một số cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng, thép, bất động sản.
Việt Nam-Index mở cửa phiên sáng đầu tuần (ngày 9/12) dao động trong biên độ nhỏ quanh mốc tham chiếu. Nhóm blue-chips điều chỉnh ở biên độ nhỏ, ngoại trừ một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm này như VIC, VHM, BID giữ được sắc xanh giúp thị trường giữ được nhịp cân bằng. Áp lực bán chốt lời trong phiên sáng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành công nghệ thông tin và bảo hiểm với FPT và BVH.
Lực cầu gia tăng tốt ở nửa sau phiên chiều, đặc biệt ở một số nhóm ngành như ngân hàng, thép, bất động sản, giúp nhiều cổ phiếu đảo chiều giành lại sắc xanh hoặc mở rộng biên độ tăng. Đáng chú ý, dòng tiền tập trung vào nhóm ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG và BID, giữ cho chỉ số chung hồi phục về sát mốc tham chiếu và đảo chiều bật tăng. Tuy nhiên, đến cuối phiên, áp lực chốt lời đến từ nhóm ngành dầu khí và chứng khoán quay trở lại tạo áp lực lên chỉ số chung, VN-Index thu hẹp đà tăng.
Thanh khoản duy trì ở mức khá tốt với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng 18.410 tỷ đồng.
Ngược chiều với khối nội, khối ngoại trở lại bán ròng với tổng giá trị ròng đạt 478 tỷ đồng, tập trung bán các mã FPT, CMG, KBC. Trong đó, FPT bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,45 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 359,81 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần về giá trị so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 3,70 điểm (+0,29%), lên 1.273,84 điểm, với 235 mã tăng và 146 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 761 triệu đơn vị, giá trị đạt 16.782 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và giảm 11% giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 176,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 3.966 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,12%), lên 229,21 điểm, với 95 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.046 tỷ đồng, giảm 8% khối lượng và 15% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 291 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,10 điểm (+0,11%), lên 92,91 điểm, với 157 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 583 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 181 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai hợp đồng VN30 đều giảm, trong đó VN30F2412 giảm 2,10 điểm, tương đương 0,16%, xuống 1.339,90 điểm, khớp lệnh hơn 168.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.000.
CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, chỉ số tăng nhẹ đi cùng diễn biến phân hóa trên thị trường cho thấy sự luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu trong xu hướng đi lên dù thanh khoản chưa khó có khả năng bùng nổ trong giai đoạn này.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tranh thủ chốt lời nốt những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng T+ để cơ cấu danh mục sang những cổ phiếu đã điều chỉnh về các vùng hỗ trợ nhưng vẫn đang nằm trong xu hướng đi lên và tiếp tục thu hút được dòng tiền ổn định, cụ thể ở một số nhóm ngành: thép, bất động sản, thủy sản.
Về chiến lược giao dịch tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK VNDIRECT cho rằng, với những dấu hiệu tích cực của dòng tiền, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục vận động đi lên và hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm. Thị trường sẽ sớm chứng kiến hoạt động chốt lời gia tăng khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự kể trên, do đó, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao, kiên nhẫn chờ đợi các nhịp rung lắc sắp tới để tái cơ cấu danh mục đầu tư, dịch chuyển danh mục sang nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm như ngân hàng, xuất khẩu (thủy sản, dệt may) và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường.
Theo Quỳnh Dương / Thị trường Tài chính tiền tệ