4 dự án thuộc TTC Group bao gồm: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW), Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW), Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (50 MW) và Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW).
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm phục vụ công tác điều tra.
Trong số 32 dự án bị đưa vào diện điều tra, có tới 4 dự án đều nằm trong hệ sinh thái thuộc hệ sinh thái TTC Group do ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch, ông Thành được giới kinh doanh biết đến với danh xưng quen thuộc “Vua mía đường”
Cụ thể, Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW) do Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Hai nhà máy còn lại là Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (50 MW) và Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW) do Công ty cổ phần Điện Gia Lai (HoSE: GEG) làm chủ đầu tư.
Điện Gia Lai
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (Điện Gia Lai) là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió được thành lập vào năm 1989. Sau nhiều lần tăng vốn, tại thời điểm năm 2023 vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 4.054 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông của Điện Gia Lai có loạt công ty con của TTC Group đang nắm giữ lượng lớn vốn cổ phần của Điện Gia Lai. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công nắm 14,13% vốn, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT) nắm 9,24% vốn, Công ty cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (HoSE: ABT) nắm giữ 5,32% vốn. Công ty cổ phần Khu công nghiệp Biên Hoà nắm 3,83% vốn…
Ngoài ra còn có, bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ của ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC Group) cũng đang trực tiếp nắm giữ 0,30% vốn cổ phần Điện Gia Lai.
Về tình hình kinh doanh, tại thời điểm năm 2012, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu nghìn tỷ. Bước sang năm 2013, Điện Gia Lai chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu khi chỉ đạt 307,9 tỷ đồng và lợi nhận chỉ “vỏn vẹn” 91 tỷ đồng.
Phải đến năm 2023, Điện Gia Lai mới ghi nhận sự bức phá về doanh thu khi đạt 2.163 tỷ đồng – mức doanh thu cao từ trước đến nay. Tuy doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận đưa về lại chỉ có 143,3 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước đó.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Điện Gia Lai đạt 1.127 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 127,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Năng lượng Điện gió Tiền Giang
Công ty cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang (Năng lượng Điện gió Tiền Giang) được thành lập vào tháng 10/2018. Ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh điện, đầu tư nhà máy điện mặt trời. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Hà Quốc Kiệt và Lê Chí Linh mỗi người nắm 5% vốn; Châu Tiểu Phụng nắm 90% vốn.
Đến năm 2019, Điện gió Tiền Giang tăng vốn điều lệ lên 200 tỳ đồng, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi. Tại thời điểm này có sự xuất hiện của Công ty cổ phần Điện Gia Lai nắm 9,15% vốn; Châu Tiểu Phụng nắm 72,68% vốn; Lê Chí Linh và Hà Quốc Kiệt mỗi người nắm 9,08% vốn.
Đến ngày 20/4/2021 năm 2021, Điện gió Tiền Giang tiếp tục tăng vốn điều lệ lên gấp gần 5 lần ở mức 890 tỷ đồng. Chỉ sau đó 1 tháng, Điện gió Tiền Giang bất ngờ điều chỉnh giảm vốn xuống còn 490 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này không được tiết lộ.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty cổ phần Điện Gia Lai ghi nhận Công ty cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang là công ty con và hiện nắm tỷ lệ lợi ích 62,53%.
Cơ đồ của ‘đại gia’ Đặng Văn Thành
Nhìn lại lịch sử kinh doanh của ông Đặng Văn Thành có thể thấy, sau khi rời ghế lãnh đạo Sacombank, gia đình ông Thành còn lại mảng mía đường và bất động sản.
Cụ thể, TTC Group sở hữu một số công ty mía đường lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công (kinh doanh đường) và 11% vốn tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal (sau này đổi tên là TTC Land).
Sau đó, ông Thành cùng vợ là – bà Huỳnh Bích Ngọc và các con là bà Đặng Huỳnh Ức My, ông Đặng Hồng Anh đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác, như năng lượng, du lịch và giáo dục. Bà Ức My được biết đến là “công chúa mía đường” còn ông Hồng Anh là Chủ tịch sáng lập TTC Land.
Về mảng du lịch, năm 2014, TTC Group mua lại Công ty cổ phần Golf Việt Nam và đổi tên thành Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG).
Năm 2017 là dấu mốc quan trọng của TTC Group khi đầu tư mạnh vào mảng năng lượng với công bố giải ngân 1 tỷ USD. Đến nay, TTC đầu tư đa dạng các loại hình, trong đó điện mặt trời chiếm tới 57% danh mục dự án, còn lại là điện gió (18%), thủy điện (15%), nhiệt điện (10%). Công ty cổ phần Điện Gia Lai là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC Group, sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió.
Thuỳ Dương / Vietnamfinance