Bị trượt phỏng vấn xin việc một vài lần là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu liên tiếp 5 lần 7 lượt đều bị nhà tuyển dụng loại “thẳng tay” thì bạn cần nghiêm túc xem xét lại bản thân. Rất có thể bạn đang mắc phải 5 lỗi dưới đây.
Không có kiến thức về doanh nghiệp
Nhà tuyển dụng Cà Mau, Bạc Liêu hay bất cứ nơi nào khác luôn muốn tìm nhân sự hiểu rõ về công ty và ngành nghề họ hoạt động. Kiến thức này thể hiện một phần năng lực, kinh nghiệm của bạn, đồng thời giúp nhà tuyển dụng đo lường mức độ quan tâm và gắn bó của bạn với công việc và doanh nghiệp.
Thông qua vài câu hỏi nhanh nhà tuyển dụng đã biết bạn tìm hiểu về công ty ở mức độ nào. Chưa tìm hiểu, bạn sẽ không biết về lịch sử, mục tiêu, giá trị cốt lõi và sản phẩm/dịch vụ của công ty. Bạn thậm chí không hiểu rõ vị trí, yêu cầu công việc. Bạn cũng không thể thảo luận về xu hướng, thách thức ngành nghề với nhà tuyển dụng, càng không thể kết nối kinh nghiệm, kỹ năng của mình với yêu cầu vị trí công việc.
Tất cả điều này khiến bạn mất điểm và trượt phỏng vấn. Vậy nên để tránh lỗi này thì trước khi bước vào phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu thông tin ngành, thị trường, doanh nghiệp qua website, mạng xã hội và nhiều nguồn khác. Sâu hơn nữa, bạn cần tìm hiểu vấn đề công ty đang gặp phải liên quan đến vị trí ứng tuyển, từ đó nghiên cứu trước một số giải pháp để có thể đề xuất ngay trong buổi phỏng vấn.
Kể xấu công ty cũ
Nhiều ứng viên “sập bẫy” nhà tuyển dụng khi được hỏi “vì sao bạn nghỉ công ty cũ”. Thay vì đưa ra lý do khách quan, ngắn gọn và có “điểm dừng” thì bạn lại tập trung, sa đà vào việc kể xấu công ty cũ, sếp cũ.
Đây là điều tối kỵ kể cả đó là sự thật. Vì nhà tuyển dụng sẽ khó có lòng tin vào bạn, họ sẽ nhìn nhận bạn là người tiêu cực, không chuyên nghiệp. Thậm chí họ còn lo ngại, bạn sẽ lặp lại điều này với chính công ty họ.
Chưa kể, mâu thuẫn với công ty cũ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ năng lực làm việc và ứng xử của bạn trong môi trường chuyên nghiệp. Họ coi đó là dấu hiệu của việc bạn không kiểm soát được cảm xúc, không chịu được áp lực…
Do đó, thay vì kể xấu công ty cũ, hãy tập trung vào kinh nghiệm bạn có từ công ty cũ và áp dụng chúng vào công việc mới. Điều này giúp bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp, tăng cơ hội thành công khi phỏng vấn xin việc.
Thái độ phỏng vấn thiếu tích cực
Buổi phỏng vấn là cơ hội để nhà tuyển dụng quan sát chi tiết ứng viên, từ hành động tới thái độ, hành vi. Qua đó có đánh giá chuẩn xác, toàn diện về ứng viên.
Bạn không thể vừa trả lời câu hỏi vừa liếc điện thoại; vừa rung đùi vừa nói chuyện; liên tục ngáp, kiểm tra đồng hồ hay thể hiện sự mệt mỏi… Điều này khiến nhà tuyển dụng hiểu bạn không tôn trọng họ và coi nhẹ công việc ứng tuyển.
Thái độ thiếu chuyên nghiệp dễ khiến bạn bị loại. Do đó, hãy đặc biệt chú ý tới biểu cảm ngôn ngữ cơ thể, hành vi trong suốt buổi phỏng vấn. Hãy luôn dùng kính ngữ thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng, đồng thời duy trì năng lượng tính cực, sự tập trung, cầu tiến trong suốt buổi phỏng vấn. Điều này giúp tạo ra môi trường phỏng vấn hòa nhã, thân thiện, tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Không chứng minh được giá trị và sự phù hợp
Nhà tuyển dụng cần ứng viên phù hợp với công việc và môi trường công ty. Họ cần nhân sự để giải quyết vấn đề mà công ty đang tồn đọng. Họ không cần nhân sự chỉ để “cho đủ, cho có”. Đó cần thiết phải là người làm được việc, có giá trị và được minh chứng cụ thể.
Do đó, bạn cần khẳng định giá trị có thể đóng góp cho doanh nghiệp hoặc chí ít, cần chứng minh năng lực, kỹ năng liên quan tới công việc để tạo niềm tin với nhà tuyển dụng. Tốt nhất trước khi vào buổi phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị kỹ, liệt kê các thế mạnh và năng lực bản thân, sau đó tập trung vào kiến thức, kinh nghiệm và thành tựu để thuyết phục họ.
Có tiếng xấu ở công ty cũ
Nhiều công ty trước khi phỏng vấn sẽ tiến hành kiểm tra thông tin mà ứng viên cung cấp. Thông qua người tham chiếu họ tìm hiểu bạn là ai, đã làm được gì, có đúng như những gì thể hiện trong CV không, từ đó lấy căn cứ để đưa ra quyết định sau buổi phỏng vấn.
Thực tế, nếu có xung đột hay có tiếng xấu ở công ty cũ thì bạn sẽ rất vất vả. Chưa kể, có khả năng bạn lọt vào danh sách đen của nhà tuyển dụng. Trong trường hợp này, bạn nên thành thật nhận lỗi và thể hiện sự cầu thị.
Tốt nhất dù bất kể làm việc ở môi trường nào bạn cũng nên làm hết trách nhiệm, nếu có xung đột thì nên xử lý hài hòa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn giúp bạn trong tương lai nếu “nhảy việc” cũng dễ hơn.
Trên đây là một số sai lầm dễ khiến bạn liên tục rớt phỏng vấn xin việc. Muốn cải thiện kết quả, bạn cần đảm bảo không mắc những lỗi này trong quá trình phỏng vấn. Chúc bạn thành công!
Nguyễn Lý / Thị Trường Giao Dịch