Trong 50 bị can bị đề nghị truy tố ở vụ án liên quan Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, nhiều bị can là anh em họ, em rể và bạn học của ông Trịnh Văn Quyết.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Anh em chỉ được hưởng lương
Theo kết luận điều tra bổ sung, đối với bị can Trịnh Văn Đại (sinh năm 1966, là anh họ của Trịnh Văn Quyết), được Trịnh Thị Minh Huế (em gái Trịnh Văn Quyết) nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Faros (từ ngày 24/4/2014 đến ngày 8/5/2015), Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Faros (từ ngày 26/7/2020 đến ngày 31/12/2022); làm Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và xây dựng Đô Thành Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư và Thương mại SCO. Tuy vậy trên thực tế, Huế là người quản lý con dấu, điều hành mọi hoạt động của 3 công ty nêu trên.
Kết quả điều tra xác định, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Faros, Đại đã ký khống nghị quyết, hợp đồng, chứng từ để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ tại Công ty Faros.
Hành vi của Trịnh Văn Đại đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros, sau đó niêm yết, bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.620,7 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tại cơ quan điều tra, Trịnh Văn Đại khai nhận toàn bộ hành vi phạm của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không được hưởng lợi từ hành vi sai phạm của mình, chỉ được hưởng lương 39 triệu đồng/tháng với vai trò là Phó Trưởng phòng Vật tư của Công ty TNHH MTV FLC Land và 41 triệu đồng/tháng với danh nghĩa Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Faros.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của Trịnh Văn Đại đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế.
Đối với bị can Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1977; chồng của bị can Trịnh Thị Thúy Nga và là em rể của Trịnh Văn Quyết), được Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên là Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Du và Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam, nhưng Huế là người quản lý, sử dụng con dấu và điều hành mọi hoạt động của 2 công ty nêu trên.
Mặc dù không có tiền góp vốn nhưng theo yêu cầu của Trịnh Thị Minh Huế, với danh nghĩa cá nhân, Mạnh đứng tên ký hợp đồng ngày 15/4/2014 nhận chuyển nhượng khống 70.000 cổ phần của Công ty cổ phần Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF tại Công ty Vĩnh Hà (sau đổi tên thành Công ty Faros) nhưng không phải thanh toán tiền để trở thành cổ đông góp vốn vào Công ty Faros.
Trong 3 lần tăng vốn (lần thứ 1, lần thứ 2 và lần thứ 3) của Công ty Faros, từ ngày 28/4/2014 đến ngày 8/1/2016, Mạnh ký 49 chứng từ khống (giấy nộp tiền, giấy rút tiền, ủy nhiệm chi) với tổng số tiền 1.377 tỷ đồng để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền tạo dòng tiền góp vốn từ tài khoản của Nguyễn Văn Mạnh vào Công ty Faros, nâng khống giá trị vốn góp đứng tên Mạnh từ 700 triệu đồng tương đương 70.000 cổ phần lên 462 tỷ đồng tương đương 46,2 triệu cổ phần.
Sau khi góp vốn khống, theo chỉ đạo của Trịnh Thị Minh Huế, Mạnh tiếp tục ký khống 16 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, quyền mua cổ phần mang tên Mạnh cho 16 cá nhân, pháp nhân với tổng số tiền 484,5 tỷ đồng nhưng thực tế Mạnh không được nhận tiền.
Với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Công ty Fujikaen Việt Nam, mặc dù không điều hành công ty, không thỏa thuận giao dịch nhận tiền vay, ủy thác đầu tư nhưng theo sự chỉ đạo của Huế, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 28/11/2016, Mạnh ký 6 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh khổng, nhận khống 405 tỷ đồng của Công ty Faros để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng làm căn cứ tạo dòng tiền hạch toán kế toán hợp thức việc góp vốn khống, làm tăng vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 3.037,5 tỷ đồng trong 3 lần tăng vốn (lần 1, lần 2 và lần 3).
Từ ngày 25/3/2016 đến ngày 7/5/2021, Mạnh ký 156 chứng từ là các ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền, giấy rút tiền với tổng giá trị 3.929 tỷ đồng để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản của Nguyễn Văn Mạnh, Công ty An Du, Công ty Fujikaen đến tài khoản của Công ty Faros, Công ty Ioncomplex và các công ty liên quan để tạo dòng tiền, che giấu hạch toán kế toán hợp thức số vốn góp khống, việc sử dụng vốn góp.
Thời điểm bắt đầu niêm yết, Nguyễn Văn Mạnh đứng tên sở hữu 20,9 triệu cổ phiếu với giá trị theo mệnh giá là 209 tỷ đồng được Huế đăng ký lưu ký vào tài khoản mang tên Mạnh sau đó sử dụng tài khoản của Mạnh để thực hiện việc mua bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Thực tế Mạnh không được sở hữu số cổ phiếu nói trên.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Mạnh thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không được hưởng lợi ích vật chất từ việc làm trên mà chỉ được hưởng lương 10 triệu đồng/tháng với vai trò là nhân viên Công ty TNHH MTV FLC Land.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của Nguyễn Văn Mạnh đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế.
Bạn cùng quê được cho cổ phiếu
Đối với bị can Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1975; là bạn cùng quê với Trịnh Văn Quyết), được Trịnh Văn Quyết giao giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty RTS nhưng không điều hành hoạt động Công ty RTS.
Mặc dù không biết số vốn điều lệ thực góp của các cổ đông là bao nhiêu nhưng theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, Bình vẫn ký biên bản, nghị quyết ngày 29/2/2016 thông qua chủ trương chuyển nhượng 80 triệu cổ phần của các cổ đông Công ty RTS với số tiền 800 tỷ đồng (thực chất chỉ có 400 tỷ đồng vốn thực góp) cho Công ty Faros để Huế làm thủ tục sáp nhập Công ty RTS vào Công ty Faros, làm tăng vốn điều lệ của Công ty Faros từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Trong lần tăng vốn thứ 3, theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế; ngày 1/9/2015, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty KLF, Bình ký 1 giấy rút 5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty KLF để Huế sử dụng nộp vào tài khoản mang tên Trịnh Văn Đại để quay vòng góp vốn khống vào Công ty Faros.
Tiếp đó, ngày 18/11/2015, sau khi Huế sử dụng danh nghĩa Nguyễn Văn Mạnh chuyển 92 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Faros, Huế tiếp tục rút tiền ra khỏi Công ty Faros bằng cách chuyển khoản 92 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty RTS. Sau đó, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, Bình ký 3 ủy nhiệm chi chuyển tiếp 127 tỷ đồng sang tài khoản của Công ty FLC Land để Huế tiếp tục chuyển tiền sang Công ty Huy Hoàng, sau đó rút tiền mặt nộp vào tài khoản của Mạnh để tiếp tục quay vòng lần 2 góp vốn vào Công ty Faros giúp nâng khống phần vốn góp của Mạnh tại Công ty Faros.
Để hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros, ngày 20/4/2016, Bình đứng hộ là cổ đông góp vốn vào Công ty Faros bằng hình thức ký hợp đồng (do Huế soạn sẵn) mua lại 50.000 cổ phần với giá trị 500 triệu đồng từ bà Đặng Thị Hồng (Bình không thanh toán tiền); ký cam kết nắm giữ cổ phiếu ngày 11/7/2016 để Huế lập danh sách cổ đông làm hồ sơ đề nghị niêm yết;
Từ ngày 3/2/2016 đến ngày 25/3/2021, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, Công ty FLC Quy Nhơn, Công ty KLF, mặc dù không điều hành hoạt động công ty, không có thỏa thuận giao dịch kinh tế nhưng Bình vẫn ký 18 ủy nhiệm chi khổng chuyển 582 tỷ đồng đến Công ty SCO, Công ty Faros, Công ty Huy Hoàng và Công ty FLC Land để Huế sử dụng tạo dòng tiền chạy qua tài khoản của các công ty hạch toán kế toán hợp thức, che giấu việc góp vốn và sử dụng vốn góp không tại Công ty Faros.
Kết luận điều tra cho rằng Bình được Quyết cho 66.000 cổ phiếu (gồm 50.000 cổ phiếu ban đầu và 16.000 được chia cổ tức bằng cổ phiếu). Từ ngày 25/9/2018 đến ngày 3/10/2018, Bình sử dụng tài khoản chứng khoán của mình bán toàn bộ cổ phiếu thu được 2,6 tỷ đồng.
Hành vi của Bình cùng những người liên quan góp phần giúp Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros để được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Bình khai nhận hành vi của mình như đã nêu trên, nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết. Bình được Trịnh Văn Quyết cho 66.000 cổ phiếu, bán thu được 2,6 tỷ đồng. Ngày 20/10/2023, Bình đã tự nguyện nộp lại số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Bộ Công an.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của Nguyễn Thanh Bình đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế.
Tương tự các thủ đoạn nêu trên, nhiều bị can khác cũng là người thân, anh em, họ hàng, bạn bè, nhân viên cấp dưới… đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi lừa đảo.
Tuệ Lâm / Vietnamfinance