Trái ngược với diễn biến ảm đạm ở thị trường tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì sức hút dòng tiền.
Trong báo cáo về thị trường tài sản vừa được Công ty Chứng khoán VNDIRECT công bố, kênh chứng khoán vẫn đang thu hút dòng tiền trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh.
Cụ thể, ở kênh tín dụng, tính đến cuối tháng 7/2023, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 đã thu hẹp đáng kể khi tăng trưởng M2 tăng tốc trong khi đà tăng của tín dụng suy yếu.
Tháng 7/2023, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,56% so với đầu năm, thấp hơn so với mức 9,55% cùng kỳ năm trước do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài suy yếu. Thứ hai, nhiều khách hàng không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Thứ ba, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.
Trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, lãi suất huy động tiền gửi tiếp tục suy giảm. Cụ thể, trong tháng 8, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm về dưới 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 5,3% đến 6,8%/năm với mức trung bình khoảng 6,3%/năm, giảm gần 2 điểm % so với đầu năm.
Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất trong tháng 8 tại một số ngân hàng như MSB, STB, EIB, TCB, ACB với mức giảm khoảng 0,8-1,2 điểm % so với tháng trước.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê của VNDIRECT, tính từ đầu tháng 8 cho đến ngày 24/8, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) thành công với tổng giá phát hành đạt khoảng 12.770 tỷ đồng, thấp hơn 58,5% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị TPDNRL phát hành đạt 100.997 tỷ đồng, giảm 54,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua lại trước hạn đã chững lại trong tháng 8/2023 với tổng giá trị TPDNRL được mua lại là khoảng 7.246 tỷ đồng.
Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành (TCPH) và các trái chủ vẫn tiếp tục diễn ra trong tháng 8/2023. Theo tổng hợp của VNDIRECT, tính đến ngày 24/8, đã có 44 tổ chức phát hành (TCPH) đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị TPDN được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn TPDN riêng lẻ trong tháng 9 vẫn lớn, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên.
Theo ước tính của VNDIRECT, trong tháng 9/2023, sẽ có khoảng hơn 25,8 nghìn tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn. Đây vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023 mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng 9 giảm khoảng 7,3% so với tháng trước.
Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các TCPH này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Trên thị trường bất động sản, số liệu quý II/2023 chưa cho thấy thị trường này “tan băng” khi chưa có sự cải thiện so với quý trước đó.
Về nguồn cung, trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành có 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ, 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I/2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý II/2022, việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…
Về lượng giao dịch bất động sản, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý II/2023, có 96.977 giao dịch thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 29.725 giao dịch thành công, bằng khoảng 75,61% so với quý I/2023, bằng khoảng 43,03% so với quý II/2022; lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công và bằng khoảng 99,98% so với quý I/2023, bằng khoảng 31,57% so với quý II/2022.
Về giá bất động sản, trong quý II/2023, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao. Giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước (cá biệt có dự án sản phẩm liền kề shophouse của dự án được rao bán giảm khoảng 10-15% số với giá gốc).
Trái ngược với diễn biến ảm đạm ở thị trường tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì sức hút dòng tiền.
So sánh sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu so với thị trường tiền gửi, VNDIRECT cho hay tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 8 ở khoảng 6,9%, điều chỉnh nhẹ so với tháng trước (7,2%) do lợi nhuận toàn thị trường chưa phục hồi kịp với đà tăng của VN-Index. Do đó, mặc dù lãi suất huy động 12 tháng trong tháng 8 tiếp tục giảm so với tháng trước (6,2% so với 6,5% trong tháng 7), khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng gần như không đổi so với tháng trước.
“Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện kể từ quý II/2023 và mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm xuống 6%/năm vào cuối năm 2023 thì chúng tôi cho rằng kênh chứng khoán sẽ cải thiện sức hấp dẫn so với kênh tiền gửi tiết kiệm trong những tháng cuối năm 2023”, chuyên gia của VNDIRECT khuyến nghị.
Thanh Long / Vietnamfinance