Báo Điện tử Chính phủ đã có bài phản ánh đơn giá thuê đất ven biển Đà Nẵng tăng đột biến khiến nhiều doanh kiệt quệ, bị Cục Thuế phong tỏa tài khoản. Doanh nghiệp cho biết đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng nhưng chưa có một hướng giải quyết cụ thể nào được đưa ra.
Doanh nghiệp bế tắc liên tục gửi đơn cầu cứu
Thời gian qua, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ San Hô Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Quê Việt, Công ty Cổ phần Mỹ Phát, Công ty Cổ phần đầu tư 559-Khu du lịch nghỉ dưỡng TIA Wellness, Công ty Cổ phần khách sạn và dịch vụ Thiên Thai… đã liên tục gửi đơn kêu cứu đến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng về việc xem xét lại giá đất tăng quá cao và không phong tỏa tài khoản doanh nghiệp.
“Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn không có nguồn thu nào nhưng vẫn cố xoay sở vay mượn để duy trì ‘sự sống còn’. Doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì nay Cục Thuế thành phố phong tỏa tài khoản và hóa đơn của một số doanh nghiệp chưa thanh toán tiền thuê đất của thành phố. Chúng tôi mong thành phố thấu hiểu sự khó khăn, sự bế tắc khi đối mặt với nguy cơ phá sản”, doanh nghiệp khẩn thiết cầu cứu.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, vấn đề hiện nay không chỉ là việc tăng tiền thuê đất bất hợp lý, mà còn bất cập về cách tính tỉ lệ đất thương mại dịch vụ trong khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ví dụ, dự án Temple Resort (tại đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) có 2 ha, chỉ cho phép mật độ xây dựng 10% và khai thác thương mại dịch vụ không quá 15% diện tích đất nhưng việc tính tiền thuê đất lại áp dụng chung 1 giá (đất thương mại dịch vụ) cho toàn bộ diện tích dự án 2 ha.
“Tổng số diện tích chúng tôi thuê chỉ được xây dựng 10% và không được xây dựng cao, phần còn lại là đất trồng cây xanh, làm khuôn viên, đường giao thông… không tạo ra giá trị mà nhằm mục đích làm đẹp không gian ven biển. Tuy nhiên khi Thành phố tính tiền đất thì tính tổng diện tích theo một đơn giá thương mại dịch vụ. Bất cập này kéo dài nhiều năm qua nhưng không cơ quan nào sửa”, chủ đầu tư phản ứng.
Về kiến nghị này của doanh nghiệp, ngày 21/2/2023, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến xử lý liên quan đến mục đích sử dụng đất trong khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Theo UBND TP. Đà Nẵng, trước đây quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái chỉ phân loại diện tích đất theo 2 mục đích sử dụng là đất ở và đất thương mại dịch vụ hoặc chỉ đất thương mại dịch vụ đối với khu du lịch.
UBND Thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đơn giá thuê đất theo mục đích sử dụng với từng hạng mục, cụ thể: Phần đất xây dựng công trình sẽ tính bằng giá đất thương mại dịch vụ; đất giao thông, bãi xe tính bằng 30% đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất công viên, cây xanh, mặt nước, bãi cát tính bằng giá đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, theo UBND TP. Đà Nẵng, đến nay Thành phố chưa nhận được văn bản trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trả lời báo chí về việc nhiều doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng phản ánh việc tiền thuê đất tăng cao, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật về đất đai đã được quy định cụ thể, ổn định và được áp dụng thống nhất trên cả nước. Việc xác định tiền thuê đất, giá tính tiền thuê đất thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND TP. Đà Nẵng cần rà soát lại, có đánh giá cụ thể và xử lý các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền.
Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị 3 vấn đề cấp bách
Ngày 18/8/2023 các doanh nghiệp trên nhận được công văn phản hồi số 3681/UBND/CT ngày 17/7/2023 của UBND Thành phố, tuy nhiên, qua nội dung trả lời, doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể được đưa ra.
Các doanh nghiệp cho rằng việc ban hành bảng giá đất là thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND TP. Đà Nẵng.
Bảng giá đất ban hành theo quyết định số 09/2020/QĐ-UBND cho các chu kỳ 2020-2024 chưa phù hợp.
Thực tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giá đất thị trường đang giảm mạnh (có thể giảm hơn 50%), các doanh nghiệp đề nghị UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thuê tổ chức thẩm định giá độc lập định giá lại giá đất theo đơn giá đất thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho rằng hiện nay giá đất thương mại dịch vụ bằng 70% giá đất ở là quá cao, thị trường giá đất thương mại dịch vụ bằng 30-50% giá đất ở; đề nghị UBND Thành phố định giá đất thương mại dịch vụ năm 2023 theo đặc thù sử dụng đất tại khu đất phía vệt ven biển phía đông của đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, nơi các dự án có hệ số và mật độ sử dụng đất rất thấp.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng đôn đốc Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản trả lời về việc phân loại đất theo mục đích sử dụng đất để điều chỉnh hợp đồng thuê đất cho phù hợp.
“Thời hạn nộp tiền thuê đất năm 2023 đã sắp đến gần (30/10/2023). Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nộp hết tiền thuê đất năm 2022. Nếu các kiến nghị của doanh nghiệp không sớm được giải quyết thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, phá sản. Điều này khiến người lao động lại một lần nữa mất việc làm”, một chủ đầu tư trao đổi.
Có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp rất mong lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng ngồi lại với doanh nghiệp để cùng trao đổi, sớm tìm hướng giải quyết tháo gỡ bất cập, nhất là việc tăng tiền thuê đất. Doanh nghiệp cần những việc làm, giải pháp cụ thể chứ không phải là những thông điệp truyền thông “đồng hành, hỗ trợ’ doanh nghiệp trong các diễn đàn mà lãnh đạo Thành phố cam kết.
Nhật Anh / Báo Chính Phủ