Theo lời khai của Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasu Đào Minh Dương, có lần bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, gửi bức ảnh tờ giấy Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký và yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển tiền mới có dấu.
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch VijaSun. (Ảnh: Ngọc Thành)
Ngày 14/7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án chuyến bay giải cứu với phần xét hỏi của các luật sư. Luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, hỏi một số bị cáo là đại diện các doanh nghiệp về việc đưa tiền hối lộ cho ông Kiên như thế nào.
Tại phiên tòa, bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun khai khi gặp bị cáo Kiên lần đầu tiên ông đã nghe Kiên quát tháo bị cáo Lê Hồng Sơn (Giám đốc công ty Bầu Trời Xanh) trong phòng họp Bộ Y tế. Sau khi doạ nạt, bị cáo Kiên lại nói: “Tôi biết các anh đưa cho anh Vũ Anh Tuấn bên Bộ Công an 150 triệu đồng/chuyến thì nộp cho tôi như vậy”.
Ông Dương cho biết Kiên ép Công ty Vijasun nhưng ông không đưa tiền bởi thấy Kiên “không xứng đáng” và giao cho nhân viên gọi điện lại cho Kiên xem có yêu cầu gì không.
“Doanh nghiệp của chúng tôi được phê duyệt 17 chuyến bay, anh Kiên yêu cầu tôi đưa 150 triệu đồng mới được phê duyệt và gửi cho tôi bức ảnh tờ giấy Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký và yêu cầu phải chuyển tiền mới có dấu. Mỗi lần như vậy, tôi cho nhân viên chuyển tiền”, bị cáo Dương nói.
Theo cáo buộc, thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền hối lộ. Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, ông Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng.
Sau khi vụ án được khởi tố, ông Phạm Trung Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp, tổng số hơn 12 tỷ đồng. Số tiền này đã được nộp lại Bộ Công an.
Một bị cáo khác là bà Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam, cho biết quá trình xin cấp phép chuyến bay đã chủ động gọi điện cho ông Kiên và nội dung cuộc trao đổi diễn ra rất ngắn gọn.
Sau đó, bà Hạnh có đến gặp ông Kiên, mang theo một túi quà bên trong chứa 200 triệu đồng tiền mặt đã chuẩn bị từ trước. Sở dĩ có con số 200 triệu đồng là bởi bà Hạnh đã tham khảo các doanh nghiệp khác.
Theo lời bị cáo Hạnh, khi gặp Kiên, bà Hạnh nói rõ số tiền trong túi quà cảm ơn là 200 triệu đồng. Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ bảo “như thế này chưa đủ chị ạ”. Tuy vậy, ông Kiên không nói cụ thể phải thêm bao nhiêu. Về nhà, bà Hạnh chủ động chuyển thêm 200 triệu đồng cho ông Kiên.
Nói về lý do chi tiền, bà Hạnh cho hay xuất phát từ lý do là muốn cảm ơn, muốn chia sẻ thành công của doanh nghiệp vì doanh nghiệp khác đưa thì mình cũng đưa, sau này có thể tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp.
Về phía Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận cáo buộc về số tiền, nhưng phản bác lời khai của nhiều chủ doanh nghiệp rằng đã “quát nạt, đe dọa”. Kiên nói không yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mà do họ chủ động liên hệ nhờ giúp đỡ.
Hiện, Kiên đã trả lại cho các doanh nghiệp 12 tỷ đồng và cùng gia đình đóng thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo cho hay cũng nhắn nhủ người thân cố gắng khắc phục triệt để số tiền còn lại những ngày tới.
Linh Chi / Vietnamfinance