Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ hai vụ vi phạm trong cổ phần hóa của Tổng công ty Coma và Viwaseen thuộc Bộ Xây dựng sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Trụ sở tòa nhà Viwaseen tại Tố Hữu, Hà Nội
Tại Kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm về tài chính, quản lý đất đai, có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách nhà nước tại công ty mẹ, các công ty con của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen).
Từ những vi phạm trong cổ phần hóa hai Tổng công ty Coma, Viwaseen, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định 2 vụ việc.
Vụ thứ nhất, vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP. Vũng Tàu. Trong đó có diện tích đất khoảng 1.137m2 có dấu hiệu vi phạm Điều 228, 229 Bộ luật Hình sự 2015 về quản lý, sử dụng đất đai.
Vụ thứ hai, vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế, có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Decoimex sử dụng đất nhưng ‘quên’ nộp tiền
Theo Kết luận thanh tra, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khu đất 1.137m2 thuộc dự án khu nhà ở Decoimex Làng cá Bến Đình, thuộc phường 9, TP. Vũng Tàu được phê duyệt là đất sản xuất kinh doanh, nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhưng Decoimex đã tự thực hiện phân lô, bán cho khách hàng để xây nhà ở, điều này vi phạm quy định của Luật Đất đai.
Đến thời điểm thanh tra, khu đất này vẫn chưa được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng cho rằng việc Tổng công ty Coma đang bỏ trống lô đất 835m2 nhiều năm tại phường 9, TP Vũng Tàu cần được xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với phần dự án mở rộng diện tích gần 4ha đất, trong đó có khoảng 1,9ha theo quy hoạch để xây dựng 93 biệt thự, Dicoimex đã ký hợp đồng góp vốn 91 lô đất biệt thự, khách hàng đã góp vốn vào dự án hơn 144 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, khách hàng góp vốn đã hoàn thiện biệt thự để vào ở nhưng Công ty Dicoimex vẫn chưa được cấp sổ đỏ dự án, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai. Các khoản tiền thuê đất, chậm nộp tiền sử dụng đất được Thanh tra Chính phủ tạm tính khoảng 192 tỷ đồng.
Vụ thoái vốn đầu tư của Viwaseen: Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc Tổng công ty Viwaseen thoái toàn bộ vốn tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với đề án tái cơ cấu tổng công ty đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Việc Tổng công ty Viwaseen phê duyệt cho Viwaseen Huế bán chuyển nhượng cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai không bảo đảm nguyên tắc thị trường, vi phạm quyết định 929 năm 2012 của Thủ tướng, nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ.
Trong khi ở thời điểm cổ phần hóa, Viwaseen Huế đang sở hữu nhiều lợi thế kinh doanh như sở hữu khách sạn Heritage Huế đạt chuẩn 3 sao ở trung tâm thành phố; chủ đầu tư dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại ngã 6 giao lộ đường Lý Thường Kiệt – Hà Nội – Nguyễn Tri Phương, TP Huế; có dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Hương Trà…
Theo kết luận thanh tra, mức giá tham chiếu định giá cổ phiếu Viwaseen Huế theo định giá của tư vấn ở thời điểm cổ phần hóa là 13.314 đồng/cổ phiếu, vì thế chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu Viwaseen Huế với mức giá tư vấn định giá được cơ quan thanh tra tạm tính khoảng 7 tỷ đồng, có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước, phải được xử lý theo quy định.
Đức Hoàng / Vietnamfinance