Cho tới vài tuần trước, cổ phiếu Trung Quốc là một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên thế giới trong 6 tháng qua, khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi, thì một số lượng lớn nhà đầu tư lại tìm cách rút lui.
Căng thẳng Mỹ – Trung được cho là nguồn cơn khiến nguồn vốn nước ngoài đổ vào Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Kể từ ngày 18/4, khi Trung Quốc công bố số liệu về sản lượng kinh tế quý đầu tiên, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trên khắp thế giới đã mất khoảng 540 tỷ USD giá trị, theo CNN. Các nhà đầu tư cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này bất ổn, căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng như sự khắt khe về quy định của Bắc Kinh đối với các công ty tư vấn quốc tế.
Theo đó, chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index đã mất hơn 5% kể từ ngày 18/4. Chỉ số Hang Seng (HSI) của Hồng Kông cũng đã giảm 5%. Còn Shanghai Composite Index và Shenzhen Component Index lần lượt giảm 3% và 6,5%. Trái lại, trong cùng thời gian, chỉ số Nasdaq Composite của thị trường Phố Wall tăng 4%.
Các nhà đầu tư không chỉ bán tháo cổ phiếu Trung Quốc, mà còn giảm niềm tin vào đồng NDT. Bằng chứng là đồng tiền này đã giảm hơn 2% trong tháng qua và lần đầu tiên trong năm nay giảm xuống dưới mốc 1 USD = 7 NDT quan trọng vào ngày 17/5 vừa qua.
Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về Trung Quốc vì 2 lý do chính”. Đầu tiên là sự phục hồi không mạnh mẽ. Một mối quan tâm khác đối với các nhà đầu tư toàn cầu là “khả năng đầu tư cơ bản” của đất nước, ông nói, đề cập đến rủi ro địa chính trị và các chính sách của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng trong vài tháng qua. Trong khi Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các ngành công nghiệp quan trọng của Trung Quốc, bao gồm cả sản xuất chip, thì Bắc Kinh đã thể hiện sự ngờ vực ngày càng tăng đối với các công ty nước ngoài.
Michael Kelly, người đứng đầu toàn cầu về đa tài sản tại PineBridge Investments, một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại New York, cho biết: “Thật không may sau hai thập kỷ cùng có lợi, căng thẳng toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng”.
Sự phục hồi “chắp vá”
Chứng khoán Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh vào cuối tháng 10 năm ngoái với hy vọng rằng nước này sẽ kết thúc chính sách zero-Covid tốn kém. Vào đầu tháng 12, Bắc Kinh đã bỏ các hạn chế nghiêm ngặt, dẫn đến sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động kinh tế.
Nhưng bất chấp mức tăng trưởng vững chắc do tiêu dùng dẫn đầu là 4,5% trong quý đầu tiên, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự phục hồi không đồng đều trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đầu tuần này, Trung Quốc đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế cho tháng 4, khiến phần lớn các nhà đầu tư thất vọng. Các tổ chức tài chính Nomura và Barclay đã hạ dự báo kinh tế đất nước xuống lần lượt là 5,5% và 5,3% sau khi dữ liệu được công bố, trong khi UBS và Goldman Sachs vẫn duy trì dự đoán tăng trưởng của Bắc Kinh là 5,7% và 6% trong năm.
Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 4, tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm. Chỉ số giá sản xuất, đo lường giá tại cổng nhà máy, giảm 3,6%, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong ba năm và cho thấy nguy cơ giảm phát.
Nhập khẩu giảm 7,9% trong tháng 4, củng cố các dấu hiệu nhu cầu trong nước yếu. Về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 – 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng Tư.
Ông Silvers cho biết lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, trước đây là động lực chính của nền kinh tế, vẫn là một mối lo ngại lớn. Trong vài thập kỷ qua, lĩnh vực này đã chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.
Hôm 17/5, Cục Thống kê Quốc gia báo cáo rằng giá nhà mới chỉ tăng 0,3% trong tháng 4, sau khi tăng 0,4% trong tháng 3, cho thấy nhu cầu bị dồn nén có thể giảm dần sau khi các biện pháp hạn chế do đại dịch kết thúc.
Luật Chống gián điệp gây lo lắng
Tháng trước, Bắc Kinh đã cập nhật luật chống gián điệp, trong đó mở rộng danh sách các hoạt động có thể bị coi là gián điệp. Trong vài tháng qua, các quan chức đã tiến hành một loạt hành động hướng vào vào các công ty tư vấn, bao gồm Capvision, Bain & Company và Mintz Group.
Theo đó, các quan chức quản lý cáo buộc Capvision, có trụ sở tại Thượng Hải và New York, giúp rò rỉ thông tin quân sự nhạy cảm cho các lực lượng nước ngoài. Các nhà chức trách cũng đã công bố một cuộc điều tra trên toàn quốc về việc ngành tư vấn có bị lợi dụng cho hoạt động gián điệp hay không.
Đồng thời, Bắc Kinh đã hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào một số nguồn dữ liệu của Trung Quốc, chẳng hạn như Wind, một cơ sở dữ liệu cung cấp dữ liệu tài chính quan trọng.
Neil Thomas, một thành viên tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: “Các động thái của Bắc Kinh nhằm giảm khả năng nước ngoài tiếp cận thông tin trong nước và tình báo kinh doanh khiến việc đầu tư vốn cổ phần vào Trung Quốc trở nên khó khăn hơn”.
“Việc tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia trong hoạch định chính sách kinh tế đang tạo ra những rủi ro chính trị khiến các công ty nước ngoài khó kinh doanh hơn ở Trung Quốc”, ông Neil nói thêm.
Các nhà quản lý quỹ và các nhà phân tích nói rằng những động thái của chính quyền Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó có được thông tin thường xuyên về các công ty Trung Quốc và là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định đầu tư của họ.
Nhiều quỹ và công ty nghiên cứu đóng cửa
Forrester Research, một công ty tư vấn và nghiên cứu tập trung vào công nghệ của Mỹ, có kế hoạch cắt giảm phần lớn các nhà phân tích Trung Quốc, theo báo cáo phương tiện truyền thông. Trả lời CNN, Forrester nói rằng họ đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc như một phần của quá trình tái cấu trúc toàn cầu.
Người phát ngôn cho biết: “Nền kinh tế không ổn định, cùng với quá trình chuyển đổi sản phẩm đang diễn ra của chúng tôi, là động lực chính cho sự thay đổi”. Người phát ngôn cho biết quy mô hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của công ty “không quan trọng” so với doanh thu toàn cầu và công ty sẽ phục vụ khách hàng tại Trung Quốc thông qua nhóm nghiên cứu toàn cầu của mình.
Ontario Teachers’ Pension Plan, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, đã đóng cửa nhóm đầu tư vốn cổ phần Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại.
Chuyên gia Kelly tại PineBridge Investments cho biết: “Mặc dù chắc chắn rằng một đợt điều chỉnh lớn đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhưng người ta cũng cần lưu ý rằng điều này xảy ra sau khi Trung Quốc trước đó đã dẫn dắt hầu hết các thị trường chứng khoán lớn khỏi mức thấp nhất trong tháng 10”.
Ông nói thêm: “Các nền kinh tế phương Tây càng xuất hiện nhiều rạn nứt thì càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu cần đổ tiền vào tài sản của Trung Quốc”.
Minh Ý / Vietnamfinance
Theo CNN