Trung Quốc cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về “bước đi sai lầm” trước thông tin liên minh này đang đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc vì đã hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.
Đại sứ 27 nước thành viên EU dự kiến sẽ chính thức thảo luận vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga vào ngày 10/5. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 11 mà EU áp đặt đối với Moscow kể từ khi chiến sự Ukraine-Nga nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.
Cụ thể, nguồn tin của Bloomberg cho biết nội dung chính của gói trừng phạt mới là nhằm ngăn chặn các quốc gia hiện đang giúp đỡ Nga đối phó với các lệnh cấm vận và cắt đứt các kênh thương mại mà Moscow có thể sử dụng. Các biện pháp có thể sẽ tập trung vào các quốc gia ở Trung Á và các nước láng giềng của Nga.
Đáng chú ý, 7 công ty Trung Quốc cũng bị Uỷ ban châu Âu đưa vào danh sách trừng phạt với cáo buộc rằng các công ty này cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng, được quân đội Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Một số công ty trong số này đã nằm trong danh sách trừng phạt trước đó của Mỹ.
Cụ thể, 7 công ty này bao gồm 3HC Semiconductors, King-Pai Technology có trụ sở tại Trung Quốc Đại Lục và Sinno Electronics, Sigma Technology, Asia Pacific Links, Tordan Industry, Alpha Trading Investments có trụ sở tại Hong Kong. Các công ty này sẽ phải đối mặt với việc đóng băng tài sản ở EU.
Trước đó, các nguồn thạo tin cho thấy nhập khẩu hàng hóa của Nga như chất bán dẫn và mạch tích hợp từ các quốc gia như Kazakhstan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã tăng đáng kể kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Để gói trừng phạt mới được thông qua, châu Âu cần có sự đồng ý của cả 27 quốc gia thành viên và các cuộc thảo luận dự kiến sẽ kéo dài căng thẳng trong nhiều tuần tới.
Tuy nhiên, việc EU thảo luận trừng phạt các công ty Trung Quốc vào đúng thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương có chuyến công du đầu tiên đến châu Âu trong tuần này được cho là sẽ khiến quan hệ giữa EU và Trung Quốc thêm sóng gió.
Cho đến nay, Brussels vẫn tránh nhắm mục tiêu vào Trung Quốc. Động thái mới này của khối có thể sẽ gây khó dễ với Bắc Kinh, vốn đang nóng lòng ngăn Brussels đứng về phía Washington trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu.
Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Nga – Trung Quốc là công bằng và minh bạch. Hai bên không bao giờ nhắm mục tiêu vào các nước thứ ba, và không chịu sự can thiệp và ép buộc của bên thứ ba”.
Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng nếu các biện pháp trừng phạt của EU có hiệu lực, điều này “sẽ làm xói mòn lòng tin lẫn nhau và sự hợp tác giữa EU và Trung Quốc, đồng thời làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và đối đầu trên thế giới”.
“Điều này cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi kêu gọi EU không nên có bước đi sai lầm đó. Nếu không, Trung Quốc sẽ có những biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chúng tôi”, ông Uông tuyên bố.
Quang Đăng / Vietnamfinance
Theo CNN, Reuters