Phương Tây tỏ ra rầm rộ trong việc viện trợ xe tăng cho Ukraine, nhưng Nga có thể đặt mục tiêu “giải quyết nhanh” trước khi các xe tăng đó kịp tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 tuyên bố sẽ cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine, còn Thủ tướng Đức Scholz nói nước ông sẽ gửi cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2. Trước đó, Thủ tướng Anh Sunak phê chuẩn cấp 14 xe tăng Challenger-2 cho Ukraine. Như vậy tổng số xe tăng phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine là 59 chiếc. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với 300 chiếc xe tăng mà Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố là cần thiết để đẩy lui quân Nga.
Các quyết định nói trên xuất hiện sau vài tháng lưỡng lự cả ở phía Mỹ và Đức. Quyết định của Mỹ là sự rời xa quan điểm phi chính thức trước đó của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khi họ cho rằng xe tăng M1 Abrams khó cung cấp, tốn kém trong bảo trì và khó điều khiển.
Nga khá bình tĩnh
Giới lãnh đạo chính trị lẫn quân sự của Nga đều tỏ ra bình tĩnh dù họ phê phán gay gắt việc phương Tây viện trợ xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Dường như họ tin tưởng rằng các vũ khí này không tạo ra mối đe dọa chiến lược nào lớn cả.
Thậm chí đa phần các nhà phân tích phương Tây đồng ý rằng các cỗ xe tăng nói trên sẽ không thể xoay chuyển cục diện chiến trường, hiện đang có lợi cho Nga. Nga được dự báo sẽ cố gắng củng cố vị trí của mình ở Bakhmut, Soledar, Zaporizhzhia vào thời điểm các xe tăng phương Tây tới được lãnh thổ Ukraine.
Nga đã giới thiệu các xe tăng hiện đại T-90M ‘Provy’ (nghĩa là “Đột phá”) – thứ vũ khí được chính các đối thủ người Ukraine ca ngợi.
Moskva cũng đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Gerasimov – người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tăng thiết giáp, làm tư lệnh Nga trên chiến trường Ukraine. Động thái này cho thấy có khả năng Nga đã lường trước tình huống nổ ra những cuộc đấu tăng lớn ở Ukraine.
Các chuyên gia trong các hội nhóm trên mạng xã hội Telegram nhận định Tổng thống Nga Putin nghiêng về phương án kết thúc xung đột Nga – Ukraine bằng cách chiếm các vùng đã định trước khi các xe tăng phương Tây được đưa đến chiến trường Ukraine. Sau đó ông Putin có thể tuyên bố chấm dứt “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Viện trợ xe tăng của phương Tây vừa nhỏ vừa chậm
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay, lô xe tăng Đức đầu tiên sẽ có mặt ở Ukraine trong 3 tháng nữa.
Theo truyền thông Đức, tính đến 22/5/2022, quân đội Đức sở hữu 312 xe tăng Leopard-2, bao gồm 212 chiếc đang phục vụ, 99 chiếc đang được sửa chữa hoặc nâng cấp thành phiên bản Leopard 2A7V, và một chiếc đã được cho “giải ngũ”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng các xe tăng mà họ cung cấp nằm trong khuôn khổ Sáng kiến trợ giúp an ninh Ukraine (USAI), nghĩa là vũ khí sẽ không xuất phát từ kho vũ khí của quân đội Mỹ mà là từ nhà sản xuất vũ khí.
Như vậy, để xe tăng Abrams đến được Ukraine cũng phải mất vài tháng.
Trong thời gian đó, nhiều khả năng Nga sẽ nỗ lực đánh chiếm những phần lãnh thổ còn lại trong các vùng ly khai ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine và vùng miền Nam Ukraine, cố gắng tránh cho xung đột quân sự khỏi leo thang.
Việc chính quyền Tổng thống Biden không gửi thẳng xe tăng từ kho vũ khí của quân đội Mỹ có nhiều mục đích, không chỉ là để thuần túy tránh làm hao hụt kho vũ khí đạn dược của họ, mà còn cho thấy Mỹ vẫn cố gắng tránh khiêu khích Nga trên quy mô lớn. Thay vào đó, họ cố gắng đi từng bước nhỏ nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu dài hạn của họ – tránh cho chiến sự khỏi lan rộng ra khắp châu Âu nhưng vẫn đối mặt về mặt chiến lược với Nga.
TRUNG HIẾU (VOV )