Giới phân tích quân sự kêu gọi Canberra phát triển lá chắn tên lửa đạn đạo do lo ngại các máy bay ném bom của Trung Quốc có thể tấn công Úc từ các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Tờ Sydney Morning Herald ngày 4-9 dẫn lời các nhà phân tích cấp cao cảnh báo máy bay ném bom tầm xa H-6K của Trung Quốc cất cánh từ đường băng trên quần đảo Trường Sa có thể dễ dàng nhắm vào các mục tiêu của Úc ở phần lãnh thổ phía bắc và các cơ sở như trạm liên lạc hải quân Harold E. Holt và Pine Gap.
Điều này còn đáng lo ngại hơn khi tướng Mã Hiểu Thiên, chỉ huy không quân Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh đang phát triển máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới có khả năng tấn công mục tiêu ở rất xa.
Nếu Bắc Kinh phát triển thành công máy bay ném bom tàng hình H-20, nó sẽ tạo ra lợi thế lớn cho Trung Quốc nhờ có khả năng tiếp cận Úc mà không cần đến sự hỗ trợ của các các máy bay tiếp nhiên liệu trên không vốn rất dễ bị phát hiện.
Úc hiện nay triển khai máy bay chiến đấu F-35 ở căn cứ không quân RAAF Base Tindal thuộc vùng lãnh thổ phương bắc để đối phó với các nguy cơ bị ném bom. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng Canberra cần hệ thống phòng vệ mạnh hơn nữa.
Tờ Fairfax Media tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia cũng có chung lo ngại về tác động của việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự lên nước Úc, đặc biệt là khi Canberra đóng vai trò tiếp tế cho đồng minh Washington khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
“Chính phủ Úc nên cân nhắc điều này, lý do đơn giản là vì với việc tái cân bằng châu Á sẽ đưa các lực lượng Mỹ đến Úc” – chuyên gia về quân sự Trung Quốc Malcolm Davis thuộc Viện chính sách chiến lược Úc nhận định.
Úc cần phòng vệ
Chuyên gia Stephan Fruehling của Đại học quốc gia Úc, cố vấn cho sách trắng quốc phòng gần đây của Úc, thậm chí cho rằng Trung Quốc đang gửi thông điệp cảnh báo đến Canberra thông qua các hoạt động tuần tra ở phía tây bắc của Úc.
“Trung Quốc đang gửi tín hiệu rằng nếu Úc dính líu trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông thì Úc không nên cho rằng khoảng cách đó có thể bảo vệ họ” – ông Fruehling nhận định.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Úc Andrew Shearer nói thêm rằng Úc nên cân nhắc nghiêm túc về phòng vệ tên lửa trước các tên lửa đạn đạo ngày phát triển của Bắc Kinh. Ông gợi ý hệ thống phòng vệ mặt đất tương tự như tên lửa Patriot của Mỹ hay các hệ thống tầm cao của Nhật Bản và Hàn Quốc. Hoặc nâng cấp các tàu khu trục phòng không (ADF) với hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Giới phân tích cho rằng Úc cần củng cố phòng thủ phía bắc dù khả năng xảy ra chiến tranh là rất thấp bởi Trung Quốc vẫn có thể có tình gây hấn với Canberra và làm giảm sự tin tưởng của Mỹ khi sử dụng các căn cứ của Úc. “Mục tiêu chiến lược của ADF trong tương lai là bảo vệ Úc như là căn cứ cho các chiến dịch tầm xa của đồng minh” – ông Fruehling nói.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông không đủ năng lực để phóng máy bay ném bom nếu xảy ra xung đột nhưng những ý kiến khác cũng chỉ ra rằng Mỹ có rất ít căn cứ ở khu vực.
“Trung quốc biết rõ họ có thể nhắm vào các cơ sở này và gây nhiều thiệt hại trong những giờ đầu của đụng độ… những nơi đó có thể bao gồm một số chỗ ở Úc” – cựu quan chức quốc phòng Úc Ross Babbage đánh giá.
TRẦN PHƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ