Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm ICS tái khởi động chiến dịch Tôi Đồng Ý 2022 với sự tham dự của hơn một trăm khách mời là báo giới, chuyên gia, cộng đồng và những người có sức ảnh hưởng tại Việt Nam với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu” và hàng loạt hoạt động ý nghĩa.
Nhằm tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy sự ủng hộ của xã hội với hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, iSEE và ICS tái khởi động chiến dịch Tôi Đồng Ý với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu” diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2022. Chiến dịch đồng hành cùng 17 nhân vật có sức ảnh hưởng tại Việt Nam với vai trò là đại sứ của chương trình. Ban tổ chức cũng giới thiệu hàng loạt các hoạt động có ý nghĩa, hướng đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội như chương trình Unitour nói chuyện với sinh viên tại 10 trường đại học, ra mắt quyển sách đầu tiên về đề tài hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, công bố nghiên cứu mới nhất về những tác động tích cực của việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới đến nền kinh tế và xã hội. Chiến dịch Tôi Đồng Ý dự kiến thu hút được 250,000 người tham dự và ký tên đồng ý ủng hộ hôn nhân cùng giới tại Việt Nam qua website toidongy.vn.
Tôi Đồng Ý và “hôn nhân không khuôn mẫu”
Sau khi Luật Hôn nhân và gia đình được thông qua vào năm 2014, chiến dịch Tôi Đồng Ý 2013 tạm khép lại với kết quả vượt mong đợi: 80.000 người theo dõi fanpage Tôi Đồng Ý, 12.000 chữ ký gửi tới Quốc hội; 5.000 ảnh và 200 video đăng tải ủng hộ chiến dịch và hơn 2.000 người tham gia ngày hội Tôi Đồng Ý. Chiến dịch năm 2013 đã nhận được sự ủng hộ của hơn 50 người nổi tiếng, và sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của các kênh truyền thông.
Sau gần một thập kỷ, Tôi Đồng Ý 2022 trở lại và tiếp tục sứ mệnh của mình: Kêu gọi sự ủng hộ của xã hội với hôn nhân cùng giới tại Việt Nam.
Tuy hôn nhân cùng giới đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng, các cặp đôi cùng giới vẫn còn gặp phải nhiều trở ngại khi chưa được hợp pháp hóa hôn nhân với những quyền lợi và trách nhiệm như những cặp đôi dị tính. Đó là những khó khăn trong thủ tục pháp lý, các giấy tờ hộ tịch, sở hữu nhà đất, tài sản chung, hay trở ngại trong đại diện hợp pháp cho người yêu, bạn đời. Không chỉ vậy, rất nhiều cặp đôi cùng giới còn phải đối mặt với những khó khăn đến từ các định kiến và sự phân biệt đối xử từ cộng đồng xung quanh, bắt nguồn từ những khuôn mẫu cố hữu về việc thế nào mới là một gia đình “thực thụ”.
Nguyễn Lang Mộng, trưởng nhóm PFLAG Sài Gòn (Hội Cha mẹ và Người thân của người LGBT) chia sẻ: “Trong văn hoá Việt Nam, gia đình là nơi chốn đi về, bình yên, khi gia đình chấp nhận hôn nhân của đôi trẻ thì hạnh phúc mới vẹn toàn. Trong bối cảnh này, gia đình có con là người LGBT lại chịu nhiều lo lắng và áp lực về cuộc sống gia đình nhỏ của con, về kinh tế và con cái. Nặng nề nhất là áp lực từ dòng họ, bà con, hàng xóm… dẫn đến nhiều sự kỳ thị và ngăn cấm. Hạnh phúc của các con là niềm vui của cha mẹ. Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sẽ cho xã hội cái nhìn khoan dung hơn về gia đình của người LGBT, từ đó giải tỏa được áp lực và nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ Việt Nam.”
Hôn nhân không nên bị “đóng khung” bởi những khuôn mẫu về xuất thân, ngoại hình, nghề nghiệp, tuổi tác… và đặc biệt là giới tính. Giá trị cốt lõi của hôn nhân được xây dựng nên từ tình yêu và sự cam kết. Với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu”, Tôi Đồng Ý 2022 mong muốn thu thập 250.000 chữ ký của cá nhân và các tổ chức. Đây sẽ là minh chứng cho việc xã hội Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận hôn nhân cùng giới. “Hôn nhân không khuôn mẫu” cũng là chiến dịch mở đầu cho Tôi Đồng Ý giai đoạn 2022-2024 nhằm khơi gợi các thảo luận về hôn nhân cùng giới trong xã hội, tạo tiền đề cho các thảo luận về sửa đổi luật pháp trong tương lai.
Đại diện cho BTC Tôi Đồng Ý, Ngô Lê Phương Linh, Giám đốc trung tâm ICS chia sẻ: “Quyền kết hôn tự nguyện với người mình yêu thương từng là một giấc mơ không tưởng đối với nhiều người trong cộng đồng LGBT. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đánh dấu một cột mốc đầy ý nghĩa khi lần đầu tiên có một thay đổi mang lại những tín hiệu tích cực cho cộng đồng tại Việt Nam. Nhưng để đạt được mục tiêu cuối cùng là sự thừa nhận bình đẳng của luật pháp thì cộng đồng LGBT cần có sự ủng hộ của toàn xã hội. Mục tiêu 250.000 chữ ký không chỉ là minh chứng cho một xã hội sẵn sàng thừa nhận quyền của các nhóm thiểu số và tôn trọng sự đa dạng, mà còn là một lời kêu gọi rõ ràng và đồng lòng của người dân đến một hệ thống luật pháp thực sự bình đẳng cho tất cả mọi người.”
Trên hành trình này, Tôi Đồng Ý 2022 nhận được sự đồng hành và ủng hộ của nhiều đối tác. Trưởng Đại diện thường trú Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen chia sẻ: “UNDP Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ quyền con người của người LGBTI. Bất kể chúng ta là ai hay yêu ai, chúng ta đều có quyền bình đẳng trong xây dựng gia đình, trong tình yêu và hôn nhân. Giá trị phổ quát của quyền không bị phân biệt đối xử này là kim chỉ nam để UNDP tiếp tục ủng hộ việc kết hôn giữa những người cùng giới. Việt Nam đã bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới và đây là một bước đầu tiên đáng khích lệ để tiến tới hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. UNDP cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và cộng đồng LGBTI trên khắp cả nước để có cuộc sống đảm bảo về nhân phẩm và được hưởng quyền bình đẳng trong đời sống gia đình. Những nỗ lực của chúng ta để đạt được nguyên tắc cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững: Không để ai phía sau sẽ không thể đạt được cho đến khi những người LGBTI được bình đẳng về quyền và tự do, bao gồm cả trong hôn nhân.”
Những tác động tích cực của việc hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới với kinh tế, xã hội
Ngoài chia sẻ những giá trị tương đồng, hôn nhân cùng giới cũng mang lại những giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội và kinh tế Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Viện iSEE năm 2022 chỉ ra rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1.65% đến 4.36% gia tăng trong GDP mỗi năm do kết quả của việc tăng năng suất lao động và tạo ra môi trường làm việc dung nạp, hoà nhập hơn. Bên cạnh đó, việc công nhận hôn nhân cùng giới cũng mang lại cho các ngành công nghiệp có liên quan đến tổ chức tiệc cưới và xây dựng gia đình gia tăng trong doanh thu từ 5.26% đến 12.36% so với trường hợp không công nhận.
Ngoài ra, năm 2019, nghiên cứu về quan hệ chung sống của người LGBT do Viện iSEE thực hiện cho thấy tỷ lệ sống chung của các cặp đôi là 26.8% và lên tới 73% với nhóm độ tuổi từ 35 trở lên, tăng lên đáng kể so với con số được ghi nhận năm 2013 là 15%. Nghiên cứu này đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết của các cặp đôi cùng giới đối với sự công nhận và bảo hộ của pháp luật để giải quyết những khó khăn khi chung sống, bao gồm khó khăn trong trong quan hệ về tài sản và các thủ tục pháp lý.
Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược (VESS), “Việc công nhận hôn nhân cùng giới nói riêng và sự dung hợp xã hội đối với người LGBT nói chung sẽ giúp cải thiện sức khoẻ thể chất, tinh thần, và xã hội của nhóm người này, từ đó giúp gia tăng năng suất lao động của họ và tạo ra những thay đổi kinh tế đáng kể cho đất nước. Trong ước lượng khiêm tốn nhất, GDP của Việt Nam có thể gia tăng từ 1.65% đến 4.36% một năm. Bên cạnh đó còn là những lợi ích không hề nhỏ về mặt ngoại giao và hình ảnh quốc gia, với Việt Nam trở thành một điểm sáng về sự văn minh và tiến bộ trong khu vực.”
Một trong những nghiên cứu đầu tiên về gia đình của người LGBT tại Việt Nam (iSEE, 2022) đã chỉ ra những nỗ lực làm cha mẹ của các cặp đôi LGBT với các giá trị gia đình mà họ xây dựng, cùng các thành quả từ việc nuôi dạy con đều tương tự những người cha mẹ khác. Bên cạnh đó, hành trình làm cha mẹ của người LGBT còn gặp nhiều thách thức hơn đến từ yếu tố gia đình, hay những cản trở từ cộng đồng, xã hội. Kết quả nghiên cứu là minh chứng nhằm góp phần xoá bỏ định kiến xã hội gắn người LGBT với những đặc tính như không chung thuỷ, thiếu trách nhiệm với gia đình, hoặc phủ nhận nhu cầu và năng lực làm cha mẹ của họ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy việc được sự bảo vệ của luật pháp sẽ là bước tiền đề cho việc giảm thiểu kỳ thị xã hội đối với người LGBT, một trong những khó khăn phổ biến nhất mà các cặp đôi sống chung gặp phải.
Chiến dịch Tôi Đồng Ý 2022 mong muốn tạo sự thấu hiểu, lan tỏa các giá trị tích cực của cộng đồng LGBT đối với xã hội, làm nền tảng kêu gọi sự ủng hộ của mọi người và thừa nhận hôn nhân cùng giới được bình đẳng và công bằng như hôn nhân khác giới vì “hôn nhân là không khuôn mẫu”.
Không chỉ có các tác động tích cực lên kinh tế và xã hội, việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới còn góp phần giữ sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật, theo PGS. TS. Vũ Công Giao, giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không có nghĩa là tạo ra những quy định mới dành riêng cho các cặp đôi cùng giới mà là trung tính hóa các quy định hiện tại về hôn nhân và xây dựng gia đình để bảo vệ quyền bình đẳng của người LGBT, góp phần bảo đảm sự ổn định của xã hội. Chính sách này không những giữ được sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, mà còn phù hợp với nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử.”
Tôi Đồng Ý Unitour – tiếng nói người trẻ về hôn nhân bình đẳng và khuôn mẫu giới
Trong khuôn khổ chiến dịch, Tôi Đồng Ý 2022 cũng sẽ đặt chân tới 10 trường Đại học từ Bắc vào Nam trong Tôi Đồng Ý Unitour – một không gian thảo luận cởi mở giữa các chuyên gia và đại sứ của Tôi Đồng Ý với các bạn sinh viên về bình đẳng giới và khuôn mẫu giới trong các mối quan hệ, nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhìn nhận và bước vào mối quan hệ tình yêu, hôn nhân với sự tự tin, tôn trọng và chân thành.
Người trẻ chính là gạch nối giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, là những người nắm trong tay quyền lựa chọn và tiếp tục xây dựng những giá trị tốt đẹp của tình yêu và sự cam kết trong mối quan hệ hôn nhân, gia đình. Tôi Đồng Ý nhận ra tầm quan trọng của người trẻ trong việc tiếp nối và gìn giữ những giá trị ấy, cũng như dần xóa bỏ những khuôn mẫu trong hôn nhân, trong khuôn khổ Unitour sẽ cùng kết hợp với Khoa Công tác xã hội – Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học An Giang; cùng nhiều trường đại học và cao đẳng trên khắp Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ủng hộ rộng rãi của người trẻ cho hôn nhân không khuôn mẫu.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc kêu gọi người trẻ tham gia vào các chiến dịch xã hội, TS Nguyễn Lê Hoài Anh, khoa Công tác Xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Việc tạo ra sự thay đổi trong các bạn sinh viên, hay người trẻ nói chung, là vô cùng quan trọng với các dự án cộng đồng và chiến dịch thay đổi xã hội. Ở lứa tuổi này, các bạn sinh viên đã có nhận thức, khả năng và quyền quyết định, những dự án cộng đồng sẽ tạo cơ hội cho họ cập nhật kiến thức, thúc đẩy họ đóng góp cho các giá trị tích cực và chủ động góp sức giải quyết các vấn đề chung trong xã hội, trong đó có vấn đề bình đẳng trong hôn nhân, gia đình của người LGBT.”
Quế Châu / Thị Trường Giao Dịch