Uber, Grab, mô hình taxi mới tại Việt Nam đang thực sự tạo ra một cuộc cách mạng đổi mới, so sánh có phần khập khiễng, nhưng nó ít nhiều có điểm giống với bối cảnh những năm 60, 70 ở phương Tây khi cuộc cách mạng tình dục bùng nổ.
Anh Đạo, một cư dân phố cổ Hà Nội đang dùng chiếc Toyota có giá gần 1 tỷ đồng để chạy Uber. Hàng ngày anh diện vest loại sang và lái chiếc xe mới láng coóng đi lái cho Uber. Anh đã chạy Uber được 8 tháng và rất hài lòng với công việc. Anh bảo: “Tôi đi làm cho vui, không bị áp lực gì, có ngày thích thì chạy vài tiếng, có ngày bận thì offline”.
Trước đây anh Đạo là một công chức nhà nước, nhưng mới đây đã nghỉ hẳn việc để chạy Uber. Hiện tại, mỗi ngày anh chạy được chừng 10 chuyến, mỗi chuyến khoảng 30.000 – 40.000 đồng (tùy quãng đường), số tiền mỗi ngày anh kiếm được cũng được chừng hơn 300.000 đồng.
Anh nói thêm: “Trước đây tôi làm công việc về xuất nhập khẩu ngành may mặc, thường xuyên phải đi nhà máy ở các tỉnh nên không thích nữa, nghỉ ở nhà chạy Uber cho thong thả mà vui”.
Uber sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin với hợp đồng taxi điện tử là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam. Cuộc cạnh tranh ở đây, không đơn thuần chỉ là các hãng taxi cạnh tranh với Công ty Uber mà chính là sự cạnh tranh giữa người lái xe taxi truyền thống với người lái xe Uber.
Đặc biệt hơn khi ngày càng có nhiều người có xe hạng sang đăng kí tham gia hợp đồng vận chuyển với Uber Black, tức lái xe taxi đang cạnh tranh với những “ông nhàn rỗi” có xe tham giá Uber. Mấy “ông nhàn rỗi” ấy cứ lòng vòng trên phố, tiện có khách gọi ở gần là nhận, số khách đứng tìm xe taxi để vẫy cũng sẽ giảm dần. Đây chính là một cuộc cạnh tranh mang tính cách mạng mà người dân được hưởng lợi từ nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy), nơi ai cũng có thể kiếm được tiền dựa trên một nền tảng có sẵn.
Điều đáng nói, có nhiều lái xe tham gia Uber Black làm chỉ để cho vui, có cơ hội giao lưu, trò chuyện chứ không hẳn vì tiền.
Rất nhiều xe nhàn rỗi tham gia chạy Uber Black với dòng xe hạng sang như Lexus, Camry; Mercedes… Anh Đạo ước chừng có khoảng 500-700 xe như thế đang hoạt động Uber.
Xe sang, lái xe lịch sự, tạo cảm giác yên tâm, đây chính là yếu tố cốt lõi khiến taxi truyền thống rớt giá ở cuộc cách mạng này.
Cuộc cách mạng taxi này ở Việt Nam khiến người viết liên tưởng tới bối cảnh những năm 60-70 ở các nước phương Tây có cuộc cách mạng tình dục khi mà quan niệm về tình dục cởi mở hơn và sex cũng là một nghề, các cô gái đứng đường bị rớt giá thê thảm bởi quan điểm giải phóng tình dục mạnh mẽ, khi đó đối thủ của các cô gái đứng đường là những cô gái chân dài, trẻ đẹp, sành điệu, có học thức, thậm chí có thể sex for free chỉ để có niềm vui.
20% đàn ông Mỹ sinh trong khoảng 1933 đến 1942 có quan hệ tình dục lần đầu tiên với gái mại dâm. Nhưng với các cậu trai sinh 20 năm sau, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 5%. Cánh mạng tình dục đã tạo cơ hội cho lớp trẻ của những năm 60 có được các mối quan hệ tình dục miễn phí. Điều này tác động mạnh mẽ tới nhu cầu mua dâm của giới trẻ. Nhu cầu mua dâm giảm sút mạnh kéo theo sự rớt giá thê thảm của dịch vụ mại dâm.
Nếu mại dâm là một ngành hợp pháp chắc chắn họ sẽ phải vận động các cơ quan công quyền đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ và chống lại các đối thủ cung ứng dịch vụ tình-cho-không-biếu-không bằng cách thu thuế hay thậm chí nghiêm cấm các hành vi đó. Nhưng mại dâm lại là bất hợp pháp tại Mỹ nên chẳng có ai đứng ra bảo vệ các cô. Trong thực tế, các xu hướng vận động chính sách không có gì mới mẻ. Cách đây hơn 150 năm, nhà kinh tế học người Pháp Frederic Bastiat, tác giả của cuốn “Lời thỉnh cầu của người làm nến”, đã than phiền rằng “những người làm nến đang gánh chịu sự tàn phá những sản phẩm rẻ như cho đang tràn ngập thị trường”.
Tội đồ đê tiện đó là ai? Đó là mặt trời và Bastiat khẩn thiết kêu gọi nhà nước Pháp thông qua luật cấm dân Pháp mở cửa đón nắng vào nhà.
Xuất hiện ở Việt Nam từ một năm nay, Uber và Grab taxi cũng đang gặp phải sự phản đối quyết liệt của taxi truyền thống. Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng sự tham gia của Uber vào thị trường góp phần làm tắc đường, lại không an toàn cho người sử dụng.
Thậm chí, có hãng taxi ở TP.Hồ Chí Minh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này đã “bẫy” lái xe taxi Uber bằng cách gây hấn, lái xe taxi không kiềm chế được đã xảy ra va chạm. CEO Uber Đặng Việt Dũng khi được báo chí hỏi về câu chuyện lái xe taxi Uber hành hung khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã thẳng thắn chia sẻ: “Đó là câu chuyện gài người bẫy mà lái xe taxi bị ép làm, họ cũng bức xúc. Nhưng chuyện này chúng tôi đã xử lý xong và chúng tôi không nói nhiều”.
Người đại diện cho taxi truyền thống cũng quên mất những người như anh Đạo và phần trăm không nhỏ các bác nhà giàu có xe riêng tham gia Uber để có niềm vui. Một số bác về hưu, tham gia Uber cho đỡ buồn. Một số người có điều kiện nhàn rỗi thi thoảng tham gia vận chuyển do muốn có nhu cầu giao lưu. Họ không quan tâm nhiều đến số tiền thu được mà thích được mở mang quan hệ, kết nối với mọi người. Trong một chừng mực nào đó, những người lái Uber hiện nay cũng giống các cô gái sành điệu, có học thức khi xưa. Khi họ, người luôn sẵn lòng với chuyện tình một đêm – Uber, đã trở thành địch thủ không đợi trời chung của các cô gái đứng đường – taxi truyền thống.
Cuộc cách mạng taxi ở Việt Nam chưa có hồi kết, nhưng phần thắng thuộc về người tiêu dùng bởi suy cho cùng, với lựa chọn thông minh, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều với tiêu chí “ngon-bổ- rẻ”. Và việc cần làm của taxi truyền thống là tìm cách thích ứng với sự thay đổi của công nghệ hơn là tìm cách “cấm ông mặt trời” như tác giả của cuốn “Lời thỉnh cầu của người làm nến” đã từng làm.
Hải Minh
Theo Người Đồng Hành