Tại Sài Gòn, chiều nay 16-5, cơn mưa vàng trút xuống hơn một giờ đồng hồ đã xoa tan cái nóng oi bức thời gian qua mà người dân phải chịu dựng. Cơn mưa trên diện rộng làm dịu mát bầu không khí nóng ẩm của Sài Gòn trong những ngày qua.
Trong 2 ngày 15 và 16-5, tại một số tỉnh miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp xuất hiện những trận mưa lớn dù chưa chính thức bước vào mùa mưa.
Những trận mưa “quý như vàng” này đã giúp làm giảm nền nhiệt, xua tan cái nóng oi bức trong nhiều tháng qua và hơn hết người dân vùng hạn, mặn đã thở phào khi vườn cây trái của họ đã được trời cứu vào “phút 89”.
Sáng 16-5, bầu trời các tỉnh miền Tây xám xịt, mưa bắt đầu xuất hiện ở khu vực tỉnh Long An, sau đó kéo dần đến Tiền Giang và qua tỉnh Bến Tre.
Đây là trận mưa thứ hai liên tiếp trong 2 ngày qua tại khu vực này, tại một số huyện của các tỉnh trên, đây lại là trận mưa đầu tiên. Tuy trận mưa chỉ kéo dài khoảng 30 phút nhưng do lượng mưa khá lớn nên nước đã đóng thành vũng tại nhiều tuyến đường.
Tại Bến Tre, mưa xuất hiện lúc 7g30 cùng ngày. Mưa đổ xuống bất ngờ khiến nhiều người đi đường không kịp trở tay. Nhiều tiểu thương buôn bán tại TP này không kịp dọn dẹp, hàng hóa bị ướt nhưng ai cũng phấn khởi vì trận mưa đã làm không khí mát mẻ, dễ chịu hơn. Trong khi đó, người làm vườn cũng phấn khởi không kém.
Ông Đinh Văn Quang, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cho biết trận mưa “quý” đã cứu vườn bưởi gần chục công của gia đình ông. “Mấy tháng qua nước mặn không dám tưới. Cây héo rũ rượi tưởng chừng chỉ còn vài ngày nữa là chết thì được trời cứu” – ông Quang vui vẻ nói.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Bến Tre, cơn mưa này đã kéo nền nhiệt từ 37 độ C xuống còn 32 – 33 độ C. Trước đó, tại Bến Tre cũng đã xuất hiện một số cơn mưa ngắn với lưu lượng mưa nhỏ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Bến Tre khuyến cáo những cơn mưa này chỉ là những cơn mưa trái mùa và nhiều khả năng không lặp lại cho đến đầu mùa mưa năm nay (khoảng nửa cuối tháng 6), vì vậy người dân cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng mà nên dùng các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn trong ứng phó với xâm nhập mặn để bảo về vườn cây trái của mình.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan – nguyên phó Phòng dự báo và phục vụ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết những trận mưa vừa qua xuất hiện tại một số tỉnh miền Tây là dấu hiệu chuẩn bị bước vào mùa mưa, hiện đang ở trong giai đoạn cuối chuyển mùa.
Theo bà Lan, hiện vẫn chưa có gió Tây Nam và lượng mưa vẫn chưa đủ lớn nên vẫn chưa thể khẳng định đã bước vào mùa mưa.
Đầu tuần, do ảnh hưởng không khí lạnh nên miền Bắc và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có mưa rào và dông diện rộng, vùng núi có nơi mưa vừa mưa to.
Sau đó vào giữa tuần, do áp thấp nóng phía tây lấn sang, mưa giảm, trưa chiều trời nắng nhưng không nóng bức với nhiệt độ hầu hết dưới 35oC, đến cuối tuần sẽ có thêm đợt không khí lạnh muộn cuối mùa tràn về làm nhiệt độ giảm, mưa rào và dông, vùng núi có nơi mưa to.
Các tỉnh bắc miền Trung thời tiết cũng chuyển xấu vào đầu và cuối tuần, giữa tuần mưa giảm nắng tăng. Các tỉnh thành ven biển từ Đà Nẵng trở vào thời tiết tương đối dễ chịu, mưa diện hẹp về chiều tối, tình hình nắng nóng không gay gắt.
Đối với Tây nguyên và Nam bộ, thời kỳ chuyển mùa đang trong giai đoạn cuối, trời tiếp tục nắng nóng và rất oi bức với nhiệt độ cao nhất từ 36-38oC.
Xen kẽ là những cơn mưa dông về chiều tối, đầu tuần mưa chỉ vài nơi, sau đó từ giữa đến cuối tuần mưa sẽ tăng dần do có gió tây nam bắt đầu thổi đều, khi trên vịnh Bengal có một xoáy thuận nhiệt đới hoạt động.
Gió tây nam đem ẩm đến nhưng vẫn chưa có mưa đều trên diện rộng, riêng một số nơi ven biển ĐBSCL, vùng ven biên giới Tây Nam và miền Đông có nơi mưa khá to.
Mậu Trường
Theo Tuổi Trẻ